Đua phát hành trái phiếu: Vướng "vòng kim cô", ngân hàng ngày càng "lép vế"

22/03/2022 10:35 GMT+7
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 được dự báo vẫn có khả năng tăng trưởng tốt do cung cầu duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, vai trò của các ngân hàng sẽ tiếp tục "lép vế" trong cuộc đua này.

Nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI chỉ rõ, số TPDN đáo hạn năm 2022 ước khoảng 266 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng TPDN lưu hành. Do đó, nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, nguồn cung TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 20-25 điểm cơ bán, kéo theo đó chênh lệch lãi suất kênh TPDN so với kênh tiền gửi duy trì ở mức hấp dẫn, TPDN vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.

Đua phát hành trái phiếu: Vướng "vòng kim cô", ngân hàng ngày càng "lép vế" - Ảnh 1.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 được dự báo vẫn có khả năng tăng trưởng tốt do cung cầu duy trì ở mức cao. (Ảnh: CTV0

Vai trò của ngân hàng tiếp tục thu hẹp trong cuộc đua TPDN năm 2022

Mặc dù thị trường TPDN được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021, song các chuyên gia SSI cho rằng, vai trò của các ngân hàng trong cuộc đua này sẽ tiếp tục thu hẹp.

Lý do thứ nhất, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN đã chính thức có hiệu lực từ 15/01/2022.

Trong đó, một số quy định siết chặt hơn như TCTD chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các TCTD); không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.

Hai là, theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn.

Các doanh nghiệp BĐS vẫn là nhóm phát hành nhiều TPDN nhất

Được biết, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722,7 nghìn tỷ đồng TPDN trong cả năm 2021, tăng 56% so với năm 2020. Số TPDN phát hành ròng 2021 (lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438 nghìn tỷ đồng, tăng 63% so với lượng phát hành ròng 2020.

Tổng lượng TPDN lưu hành tại cuối 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021. Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).

Trong đó, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226,4 nghìn tỷ đồng- chiếm 31,3% tổng lượng TPDN phát hành và tăng 73% so với năm 2020 một phần để bù đắp lượng trái phiếu mua lại trước hạn lên tới 67 nghìn tỷ đồng.

Tổng trái phiếu ngân hàng đang lưu hành tại cuối năm 2021 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng, chiếm 39% quy mô thị trường TPDN – thấp hơn rất nhiều so với mức 48% tại cuối năm 2018.

Điều này đồng nghĩa với quy mô thị trường TPDN phi ngân hàng đang tăng nhanh, ước khoảng 854 nghìn tỷ đồng tại cuối 2021- gấp 3,4 lần cuối 2018 và chiếm khoảng 10,2% GDP.

Các doanh nghiệp BĐS vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318,2 nghìn tỷ trong năm 2021 – chiếm 44% tổng lượng TPDN phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.

Các nhóm Năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng phát hành từ 28 nghìn tỷ đồng đến 30 nghìn tỷ đồng, chiếm trên dưới 4% tổng lượng phát hành.

Trong đó, lượng phát hành của các định chế tài chính phi ngân hàng (chủ yếu là các công ty chứng khoán) và nhóm phát triển hạ tầng tăng cao so với 2020, lần lượt là 152% và 225%; các công ty năng lượng và khoáng sản giảm phát hành (-24%) do mức phát hành năm 2020 tăng cao đột biến.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục