Đức quay đầu làm khó Huawei trong dự án phủ sóng 5G
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas hôm 5/11 chỉ ra rằng dù là tập đoàn viễn thông lớn nhất hành tinh, Huawei vẫn chịu sự chi phối chặt chẽ của luật an ninh Trung Quốc, đồng nghĩa với việc hãng buộc phải cung cấp thông tin mật cho Chính phủ Bắc Kinh trong trường hợp bị yêu cầu như vậy. Đây cũng chính là lý do Mỹ cáo buộc Huawei là mối quan ngại rủi ro an ninh quốc gia và khuyến cáo các đồng minh “cấm cửa” Huawei khỏi dự án phát triển mạng viễn thông thế hệ tương lai 5G.
Dù từng đồng thuận cho Huawei tham gia phát triển mạng 5G hồi giữa tháng 10, Chính phủ Đức giờ đây muốn có thêm một thử thách độ tin cậy khác nhằm vào các bảo mật 5G để đưa ra một đánh giá toàn diện tiêu chí kỹ thuật. “Bài test” cuối cùng này sẽ là cơ sở để các nhà lập pháp Đức đánh giá và quyết định liệu có cho phép Huawei “nhúng tay” vào xây dựng mạng viễn thông 5G tại quốc gia này hay không.
Bộ trưởng Heiko Maas tiết lộ: “Trong bài kiểm tra bảo mật này, chúng tôi muốn tìm ra liệu một công ty, ở đây là trường hợp Huawei có bị luật pháp nước sở tại (Trung Quốc) chi phối trong việc truyền dữ liệu, thông tin cần được bảo vệ cho các cơ quan chính phủ hay không”.
Những bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Đức được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Berlin sẵn sàng áp dụng các cách tiếp cận cứng rắn hơn trong trường hợp Huawei có dấu hiệu trở thành mối quan ngại an ninh quốc gia đúng như những gì Mỹ từng cảnh báo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Đức sẵn sàng “đá” Huawei ra khỏi dự án phát triển 5G của nước này, cho dù gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc từng cảnh báo việc cấm cửa Huawei sẽ khiến các quốc gia đi lùi trong tiến trình phủ sóng 5G.
Thực chất, động thái này đi ngược lại hoàn toàn so với những tín hiệu dễ dãi hồi tháng 10 khi Chính phủ Đức tuyên bố cho phép Huawei cạnh tranh với các nhà cung cấp thiết bị mạng 5G khác trên thị trường Đức nhằm tạo ra một “sân chơi” bình đẳng, tiến bộ.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã liên tục gây áp lực lên các đồng minh trong việc cấm Huawei tham gia vào xây dựng mạng viễn thông 5G do hàng loạt rủi ro an ninh quốc gia, đặc biệt là cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh. Mỹ thậm chí đe dọa sẽ cắt mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo với một số quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp nếu các nước này cố tình để Huawei nhúng tay vào phát triển mạng 5G. Ở phía ngược lại, Huawei quyết liệt phủ nhận mọi cáo buộc.
Bất chấp những nỗ lực triệt hạ từ phía Mỹ, Huawei vẫn giữ vững ngôi vị gã khổng lồ thống trị thị trường viễn thông toàn cầu với thị phần lên tới 28%. Tính đến hết tháng 10/2019, Huawei đã giành được tổng cộng 60 hợp đồng phát triển mạng 5G tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh như Nokia hay Ericsson. Mức giá đề xuất rẻ tương đối và vô cùng cạnh tranh chính là yếu tố then chốt giúp Huawei ký kết nhiều hợp đồng 5G, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, các khu vực như Châu Phi, Nam Mỹ…
Sau nhận định cứng rắn của Ngoại trưởng Heiko Maas, nhiều nhà khai thác mạng viễn thông Đức vốn là đối tác lâu năm của Huawei đã lên tiếng cảnh báo việc cấm cửa Huawei sẽ gây ra sự trì hoãn đáng kể và gia tăng chi phí cho lộ trình phủ sóng 5G.