Vượt mặt Mỹ, Trung Quốc thống trị thị trường 5G thế giới: Cuộc đua công nghệ hay chính trị?

01/11/2019 16:33 GMT+7
Bắt đầu từ hôm nay 1/11, Trung Quốc chính thức ra mắt mạng 5G với nỗ lực vươn lên dẫn trước Mỹ trong chiến tranh công nghệ. Bất chấp chính quyền Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen, Trung Quốc vẫn đang từng bước thống trị thị trường 5G thế giới và vượt mặt Mỹ.

Từ 1/11, Trung Quốc phủ sóng mạng 5G toàn quốc

Hàng loạt các nhà mạng viễn thông trong nước như China Telecom, China Unicom và China Mobile hôm 1/11 đồng loạt công bố các gói cước 5G với giá khởi điểm từ 128 NDT (khoảng 18 USD/tháng), tuy nhiên nhiều nhà phân tích nhận định rằng mức giá này có thể là quá cao khi phủ sóng 5G trên diện rộng. Các dịch vụ mạng 5G được cung cấp bởi tập đoàn viễn thông nhà nước với nhiều gói cước tương tự nhau, lên tới 599 NDT cho gói 30 GB dữ liệu tốc độ cực cao và 3.000 phút cuộc gọi.

Hồi giữa năm nay, các nhà mạng Trung Quốc dự định bắt đầu triển khai phủ sóng 5G vào năm 2020, nhưng sau đó tiến độ được đẩy lên trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại cùng sự cạnh tranh mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghệ cao. 5G là một trong những “chiến trường” quan trọng trong xung đột ấy. 

Trong nhiều tháng qua, Mỹ bị cáo buộc là “bắt nạt kinh tế” khi đưa gã khổng lồ viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, đồng thời tạo áp lực lên các đồng minh nhằm tẩy chay thiết bị mạng của Huawei. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 10, theo báo cáo tài chính mà Huawei công bố, hãng vẫn giữ vững vị thế nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới với hơn 60 hợp đồng phát triển 5G.

Trung Quốc phủ sóng 5G từ 1/11: nỗ lực vượt qua cái bóng siêu cường của Mỹ? - Ảnh 1.

Theo tờ Tân Hoa Xã, hiện mạng 5G đã sẵn sàng phủ sóng tại 50 thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến...và nhiều khu vực quan trọng khác.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là một trong hai quốc gia tiên phong trong việc phủ sóng 5G toàn quốc, bên cạnh Hàn Quốc. Còn tại Mỹ, một số nhà mạng lớn như AT & T, Verizon, T-Mobile và Sprint đã thử nghiệm mạng 5G nhưng chỉ ở một số khu vực nhất định. 

Trung Quốc sẽ thống trị thị trường 5G thế giới?

Theo một phân tích từ Jefferies, Trung Quốc hiện đang trên hành trình trở thành thị trường 5G lớn nhất thế giới, với khoảng 110 triệu người sử dụng mạng 5G vào năm 2020. Còn theo cơ quan nghiên cứu công nghệ di động GSMA, số lượng kết nối 5G tại Trung Quốc vào năm 2025 sẽ trở thành lớn nhất thế giới, lớn hơn cả số kết nối của khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu cộng lại.

Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, tiến trình phủ sóng mạng 5G tại Trung Quốc vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Nhiều nhà phân tích e ngại rằng giá dịch vụ mạng này có thể quá cao để phủ sóng rộng rãi khắp thị trường Trung Quốc. Edison Lee - nhà phân tích từ Jefferies chỉ ra rằng giá dịch vụ 5G tại Trung Quốc tính trên mỗi GB gần ngang bằng giá dịch vụ tại Hàn Quốc, dù cho thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc cao hơn hẳn. 

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi mức giá dự kiến cho mỗi GB 5G của Trung Quốc rơi vào khoảng 0,39 USD, nhỉnh hơn so với Hàn Quốc (0,38 USD). Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn 69% so với Hàn Quốc. Mức giá cao tương đối như vậy chắc chắn sẽ là thách thức lớn cho việc phủ sóng 5G” - Edison Lee.

Một thách thức khác với dự án phát triển 5G của Trung Quốc là các thiết bị smartphone kết nối 5G hiện nay còn khá hạn chế. Ở phân khúc cao cấp, chỉ có một số dòng smartphone như Huawei Mate 20X 5G hay Samsung Note 10 Plus, một số smartphone của Xiaomi, Vivo và ZTE là có khả năng kết nối 5G. Phân khúc trung cấp và bình dân gần như chưa có thiết bị smartphone kết nối 5G. 

5G: cuộc đua công nghệ hay vị thế chính trị?

Trung Quốc phủ sóng 5G từ 1/11: nỗ lực vượt qua cái bóng siêu cường của Mỹ? - Ảnh 3.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực vươn lên siêu cường công nghệ, thì Huawei - nhà sản xuất dịch vụ viễn thông lớn nhất hành tinh chắc chắn là “cái gai” trong mắt ông Trump với công nghệ 5G tiên tiến mà hãng này tuyên bố đang nắm giữ. Thực chất, cuộc chiến 5G không chỉ quyết định vị thế siêu cường công nghệ mà còn định đoạt sức mạnh chính trị của Mỹ và Trung Quốc. 

Hồi tháng 4, trong một bài phát biểu, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “5G là cuộc đua Mỹ phải thắng và sẽ thắng”. Rõ ràng, trong cuộc đua 5G với Trung Quốc, Mỹ đang tìm mọi cách chiếm ưu thế. Nước này từng đề xuất sáp nhập Sprint và T-Mobile để chiếm lại vị thế tiên phong trên thị trường mạng 5G, nhưng sau đó bị CEO Huawei Nhậm Chính Phi mỉa mai rằng các nhà mạng khác có thể mất hàng chục năm để theo kịp bước tiến của Huawei.

Đỉnh điểm của căng thẳng là khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, cấm nhập khẩu linh kiện và công nghệ Mỹ nhằm chặn chuỗi cung ứng của gã khổng lồ viễn thông. Mỹ còn tạo áp lực cho hàng loạt đồng minh như Anh và Pháp, cảnh báo rằng thiết bị mạng Huawei là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và Nhà Trắng sẽ ngay lập tức cắt đứt mạng chia sẻ tin tức tình báo nếu các nước này cho phép Huawei nhúng tay vào xây dựng mạng 5G. Trước cảnh báo của Mỹ, New Zealand và Australia đã “cấm cửa” Huawei ngay sau đó.

Mới đây nhất, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ FCC còn xem xét bỏ phiếu đưa Huawei và ZTE vào danh sách rủi ro an ninh quốc gia, qua đó cấm các nhà mạng - đặc biệt là nhà mạng nhỏ lẻ vùng nông thôn Mỹ - làm ăn với hai tập đoàn Trung Quốc này. FCC được cho là sẵn sàng chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các nhà mạng thay thế, loại bỏ thiết bị Huawei khỏi hệ thống mạng viễn thông.

Bởi vậy, có lý do để Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G bất chấp sự “bắt nạt kinh tế, cưỡng bức kinh tế” từ Mỹ. Liệu rằng tham vọng của chính quyền Tập Cận Bình có thể vượt qua Mỹ trên hành trình vươn lên siêu cường công nghệ? Và liệu rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể để viễn cảnh đó xảy ra?

Thùy Dung
Cùng chuyên mục