Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Dùng tiền thuế của dân để làm đường còn thu phí là "thuế chồng thuế"

Thế Anh Thứ năm, ngày 13/07/2023 09:15 AM (GMT+7)
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, dùng tiền thuế của người dân đã nộp về ngân sách và dùng tiền đó để đầu tư, bây giờ tiếp tục thu phí cao tốc khác nào người dân phải nộp 2 lần thuế.
Bình luận 0

Trong tờ trình dự án Luật Đường bộ được Chính phủ gửi Quốc hội có đề xuất thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư hoặc nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa hợp lý?

Đề xuất của thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận. Nhiều người bày tỏ, nếu thu phí cao tốc thì phải bỏ phí bảo trì đường bộ và cần phải minh bạch rõ nguồn thu, công khai trên bảng điện tử. Đồng thời phải thu bằng hệ thống thu phí không dừng tự động và không có sự can thiệp của con người.

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư và nỗi lo "phí chồng phí", lạm phát - Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: B.P

Chia sẻ về nội dung này, anh Vũ Đình Hoan, tài xế xe taxi công nghệ cho rằng: "Dùng thuế của người dân và doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng giờ lại thu tiếp phí sử dụng dịch vụ cao tốc là không phù hợp".

Theo anh Hoan, nếu thu phí cao tốc thì phải bỏ phí bảo trì đường bộ và minh bạch rõ nguồn thu, công khai trên bảng điện tử. Cùng với đó, phải sử dụng hệ thống thu phí không dừng tự động và không có sự can thiệp của con người.

Đồng quan điểm với anh Hoan, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Hữu Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát tại Hà Nội (chủ sở hữu thương hiệu xe Sao Việt) cho rằng: "Tất cả các tuyến đường quốc gia được đầu tư bằng ngân sách mà lại thu phí nữa thì vô lý. Vậy, số tiền ngân sách chi cho đầu tư hạ tầng giao thông đã được chi như thế nào? Hay là hết rồi".

"Nếu nhà nước thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thì bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ đi không thu nữa. Bởi ngân sách là thuế của nhân dân, mà lại thu thêm phí bảo trì đường bộ, bây giờ đè ra thu thêm phí sử dụng dịch vụ cao tốc sẽ là phí chồng phí", ông Bằng chia sẻ.

Theo ông Bằng, trong khi phí bảo trì đường bộ thu đều, ngân sách chi ra để đầu tư, mà lại thu thêm phí cao tốc nữa thì doanh nghiệp, người dân chịu sao nổi. Quá bất cập trong những việc này.

Nếu thu thêm phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ khiến cho chi phí vận tải tăng, phát sinh thêm các chi phí vào hàng hóa, dịch vụ sẽ dẫn tới lạm phát. Vì vậy, cần phải có sự tính toán hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư và nỗi lo "phí chồng phí", lạm phát - Ảnh 2.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45. Ảnh: Thế Anh

Nỗi lo phí chồng phí

Giải thích về đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo cho biết, phương án này sẽ thu hút nguồn lực khu vực tư nhân và đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 5.000 km cao tốc.

Thêm vào đó, khi thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nhất là với công trình đường bộ quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.

Cụ thể, người dân, doanh nghiệp tốn thêm phí sử dụng cao tốc nhưng được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh. Giải pháp này tương thích với các điều ước quốc tế về giao thông đường bộ mà Việt Nam là thành viên.

Nếu không thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, lợi ích kinh tế - xã hội với người dân, doanh nghiệp giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá. Nhà nước không thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, khó đảm bảo mục tiêu trong 7 năm nữa có 5.000 km cao tốc. Ngân sách Nhà nước chịu gánh nặng, gây áp lực trần nợ công.

Người dân, doanh nghiệp không mất phí cao tốc nhưng tăng chi phí nhiên liệu, thời gian, giảm hiệu quả kinh doanh.

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: "Nội dung này đã bàn đi bàn lại nhiều lần rồi, nói mãi rồi. Đề xuất thu phí tuyến cao tốc làm bằng tiền ngân sách là vô lý và sẽ khiến phí chồng phí".

"Tiền thuế của người dân đã nộp về ngân sách và dùng tiền đó để đầu tư, bây giờ tiếp tục thu phí khác nào người dân phải nộp 2 lần thuế", PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Nói rõ hơn về về việc thu phí tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, PGS.TS Ngô Trí Long cho hay: "Đường cao tốc xây dựng bằng tiền ngân sách tức là bằng tiền thuế đóng góp của nhân dân. Thu phí tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư là bất hợp lý, tạo áp lực lớn lên người dân, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn".

"Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng có thể dẫn tới phát sinh các chi phí khác kèm theo và khiến cho giá cả của hàng hóa tăng theo chi phí vận chuyển", PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem