Muốn "xoá" trạm thu phí cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, nhà nước phải bỏ 3.250 tỷ đồng

22/08/2022 13:57 GMT+7
Để giải quyết những bất cập, tình trạng thua lỗ của dự án BOT cải tạo quốc lộ 3 qua tỉnh Thái Nguyên, Bộ GTVT đề xuất phương án 4 "cứu" dự án này.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT đã hoàn thành năm 2017, đến nay nhà đầu tư mới được thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, chưa thu trên quốc lộ 3 do người dân phản đối.

Việc người dân phản đối thu phí khiến cho phương án tài chính của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới có nguy cơ vỡ kế hoạch. Trong những năm qua, Nhà đầu tư dự án và Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc tìm phương án hoàn vốn cho dự án này.

Muốn "xoá" trạm thu phí cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, nhà nước phải bỏ 3.250 tỷ đồng - Ảnh 1.

Trạm thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: Thế Anh

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng 4 phương án giải quyết những bất cập cho dự án Thái Nguyên - Chợ Mới.

Phương án 1 sẽ thực hiện theo đúng hợp đồng dự án, nhà đầu tư thu phí tại 2 trạm (quốc lộ 3 và trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới) để hoàn vốn. Trong đó, trạm quốc lộ 3 triển khai theo phương án miễn, giảm phí với người dân địa phương.

Thời gian thu phí dự án này tăng từ 25 năm 4 tháng lên khoảng 32 năm 4 tháng; lùi thu phí trên quốc lộ 3 từ tháng 7/2019 sang dự kiến cuối năm 2022. Để bảo đảm thời gian hoàn vốn, nhà đầu tư đề nghị bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 800 tỷ đồng.

Phương án 2 chỉ thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu trên quốc lộ 3, nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư khoảng 3.050 tỷ đồng.

Phương án 3 là di dời trạm thu phí quốc lộ 3 từ Km77+922 về đặt trên đoạn km 93-km100 (trong phạm vi đầu tư nâng cấp, cải tạo), nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỷ đồng.

Phương án 4 là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án theo quy định. Dự kiến nhà nước cần bố trí khoảng 3.250 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án để xóa trạm thu phí.

Muốn "xoá" trạm thu phí cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, nhà nước phải bỏ 3.250 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Ảnh: Thế Anh

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá phương án 1 cơ bản phù hợp với hợp đồng đã ký kết, hạn chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện theo phương án này, tỉnh Thái Nguyên cần có giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an ninh trật tự khi tổ chức thu phí.

Các phương án 2, 3, 4 giải quyết triệt để bất cập tại trạm quốc lộ 3 nhưng rất khó khả thi do sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước. Phương án 4 giải quyết được triệt để bất cập tại trạm thu phí quốc lộ 3, nhận được sự đồng thuận của người dân, song pháp luật hiện tại chưa cho phép sử dụng vốn đầu tư công trung hạn để thanh toán cho nhà đầu tư nên phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Để chuẩn bị báo cáo Chính phủ xem xét, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, đánh giá các giải pháp xử lý, khả năng bảo đảm an ninh trật tự của các phương án.

Dự án BOT đầu tư mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 đoạn km75-km100 có tổng đầu tư 2.740 tỷ đồng. Theo phương án tài chính, sẽ có hai trạm thu phí trên hai tuyến để hoàn vốn. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành vào tháng 5/2017, nhiều người dân huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã tập trung phản đối vị trí trạm thu phí trên quốc lộ 3 cũ.

Do chỉ thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới nên hầu hết phương tiện lựa chọn trạm quốc lộ 3 để lưu thông không mất phí. Doanh thu dự án trong 4 năm chỉ đạt 9% so với hợp đồng, gây vỡ phương án tài chính. Theo hợp đồng PPP, nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ nhà đầu tư khi doanh thu thu phí sụt giảm.

Thế Anh
Cùng chuyên mục