Được mùa rớt giá, Bộ NN&PTNT đề xuất tăng thu mua tạm trữ lúa Hè Thu

03/08/2021 12:04 GMT+7
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam kiến nghị nghiên cứu, trình Chính phủ việc mua tạm trữ lúa vào kho dự trữ quốc gia nhằm giải quyết đầu ra cho lúa Hè Thu, kích cầu tiêu thụ, hạn chế trục lợi cá nhân.

Theo TTXVN, tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của các Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ ở phía Nam đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ cho tăng thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, khó khăn về lao động trong thu hoạch lúa Hè Thu hiện đã giải quyết được phần nào, nhưng đến lúc thu hoạch thì không có thương lái đi mua. Nông dân thu hoạch xong không biết tiêu thụ ra sao và đây là vấn đề rất nan giải.

Được mùa rớt giá, Bộ NN&PTNT đề xuất tăng thu mua tạm trữ lúa Hè Thu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam kiến nghị nghiên cứu, trình Chính phủ việc mua tạm trữ lúa vào kho dự trữ quốc gia nhằm giải quyết đầu ra cho lúa Hè Thu. Ảnh minh họa: Dân Trí

Tại "Diễn đàn kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống COVID-19", ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết tỉnh sản xuất 228,5 nghìn ha lúa Hè Thu và đến cuối tháng 7 mới thu hoạch khoảng 40% diện tích. Tháng 8, 9 sẽ là thời điểm thu hoạch rộ với trên 135 nghìn ha.

Tuy nhiên, các kho dự trữ lúa gạo trên địa bàn đang giảm công suất mua vào do công nhân e ngại, không muốn thực hiện 3 tại chỗ, nhà máy không đủ người vận hành. Bên cạnh đó, người dân cũng đang giãn cách xã hội khiến tiến độ thu hoạch chậm.

"Do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, tỉnh An Giang áp dụng quy định người dân chỉ được ra đường trong khoảng 6h – 18h hàng ngày.

Điều này dẫn đến nhiều thương lái bỏ cọc, không thu mua lúa ở những khu vực giáp với tỉnh Kiên Giang và vùng biên giới với Campuchia vì quãng đường xa, không kịp về trong ngày. Bên cạnh đó, nhiều thương lái e ngại lây nhiễm chéo nên tạm nghỉ để phòng chống dịch", ông Thọ cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết địa phương hiện đang có 150 nghìn ha lúa Hè Thu đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, do thiếu nhân công gặt và thương lái thu mua nên chưa thu hoạch được. Ngoài ra, Long An cũng có 100 nghìn tấn nếp khó tiêu thụ, giá xuống thấp.

Theo ông Thiện, nhân công thu hoạch và thương lái thu mua lúa chủ yếu từ các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đang giãn cách xã hội nên việc di chuyển tỉnh qua tỉnh, huyện qua huyện, xã qua xã gặp khó khăn, thương lái ngại

Hiện, vụ Hè Thu đang thu hoạch rộ, sản lượng nhiều dễ dẫn đến tình trạng trục lợi trong bối cảnh khó khăn. Bộ cần đề xuất Chính phủ cho tăng thu mua tạm trữ lúa quốc gia để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất cũng như để đảm bảo kế hoạch sản xuất.

Một số nơi đã bắt đầu gieo sạ vụ Thu Đông nhưng nông dân đang lưỡng lự sản xuất vụ Thu Đông.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng cho biết lúa Hè Thu mới thu hoạch được khoảng 600.000ha và trong tháng Tám, tháng Chín sẽ có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất.

Vụ lúa Thu Đông không chỉ cung cấp lương thực mà còn cung cấp giống cho vụ Đông Xuân cuối năm. Nếu sản xuất tốt thì sẽ đảm bảo cung cấp nguồn giống cho vụ này.

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ vụ Hè Thu 2021 là 1,599 triệu ha; năng suất ước đạt 56,51 tạ/ha, tăng 1,14 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120.000 tấn so với Hè Thu 2020.

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,515 triệu ha, năng suất ước đạt 56,66 tạ/ha, tăng 1,15 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 8,584 triệu tấn, tăng 124.000 tấn.

Vụ Thu Đông 2021 vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 700.000ha. Vụ này sẽ cung ứng sản lượng khoảng 3,864 triệu tấn, TTXVN đưa tin.


PV
Cùng chuyên mục