Lỗ bi thảm ròng rã hơn 4 năm, Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) bị hủy niêm yết

02/08/2021 18:06 GMT+7
Nếu không tính quý IV/2019 là quý duy nhất báo lãi, CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) đã chìm trong vòng xoáy thua lỗ suốt hơn 4 năm ròng rã.

Từ 28/7, CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc sẽ giao dịch trên UPCoM. Trước đó, cổ phiếu này bị hủy niêm yết trên sàn HNX do đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2019 và 2020 của KHP, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc.

Về tình hình kinh doanh quý II/2021, HKB ghi nhận doanh thu thuần hơn 1,432 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và lỗ ròng gần 15 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các Ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, kết quả kinh doanh đã hạch toán khoản lợi thế thương mại hơn 11 tỷ đồng.

Lỗ bi thảm ròng rã hơn 4 năm, Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) bị hủy niêm yết - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo hợp nhất quý II/2021 của HKB

Lũy kế nửa đầu năm 2021, doanh thu của HKB đạt hơn 2.9 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và lỗ ròng gần 30 tỷ đồng. Tính đến 30/06/2021, lỗ lũy kế của HKB ghi nhận hơn 241 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2021 đã ghi nhận tài sản của HKB đạt hơn 492,28 tỷ đồng, trong đó khoản mục được hạch toán với giá trị lớn nhất và chiếm tỷ trọng chi phối chính là "Lợi thế thương mại" với gần 289,8 tỷ đồng. Đây là một trong những khoản mục mà đơn vị kiểm toán CPA đã từ chối đưa ra kết luận vì không đủ bằng chứng.

Được biết, HKB ghi nhận giá trị này từ năm 2016, khi hai công ty con của HKB là Nông nghiệp Lumex Việt Nam và Nông nghiệp Hưng Lộc Phát Gia Lai sử dụng tổng số vốn điều lệ 500 tỷ đồng để mua cổ phần tại công ty khác.

Bên phía vốn chủ sở hữu, phần vốn góp ghi nhận gần 516 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2021, khoản lỗ lũy kế của HKB đã lên tới gần 181 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn gần 81,2 tỷ đồng, đồng thời khoản phải trả quá hạn của HKB lên đến gần 100,6 tỷ đồng.

Từ năm 2017 đến quý 1/2021, HKB liên tiếp thua lỗ. Trong đó năm 2018 nặng nhất với khoản lỗ gần 143 tỷ đồng. Năm 2019 thoát lỗ nhưng chỉ đạt gần 2 tỷ đồng. 

Lỗ bi thảm ròng rã hơn 4 năm, Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) bị hủy niêm yết - Ảnh 2.

Do đó, tỷ suất sinh lợi bao gồm ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân) và ROA (tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân) tại HKB âm liên tục.

Cụ thể, chỉ số ROE âm từ 11,99% (năm 2017) lên âm 18,18% (năm 2020); chỉ số ROA cũng âm từ 8,56% lên âm 13,07%.

Liên quan tới tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2020, nợ phải trả tại doanh nghiệp này ghi nhận 146 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, chiếm 31% tổng tài sản. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 142 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn của HKB đã chiếm hơn 106 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn có tới 78,6 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn khách hàng và gần 53 tỷ đồng khoản phải thu khác nhưng dự phòng khó đòi lên tới 79 tỷ đồng.

Vừa qua, do kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng hợp lý về tính hiện hữu, đúng đắn và đầy đủ của khoản Lợi thế thương mại tại thời điểm 31/12/2020.

Đồng thời, kiểm toán cũng chưa nhận được thư xác nhận tạm ứng của ông Phạm Thanh Bình và Nguyễn Chí Đặng. Kiểm toán chưa xác định được nguyên nhân thiếu hàng tồn kho.

Phía HKB cho biết, hiện ban lãnh đạo công ty đang phối hợp với các bộ phận liên quan để đối chiếu chứng từ công nợ tạm ứng của ông Bình và ông Đặng và xác định nguyên nhân đối với khoản hàng tồn kho bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dài vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chưa thuận tiện cho việc tiếp xúc và phối hợp trực tiếp giữa những người liên quan. Sau khi tình hình dịch Covid-19 được khống chế công ty sẽ làm việc với các cá nhân liên quan để xử lý những tồn tại trên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu HKB đóng cửa giá tham chiếu 1.100 đồng/cổ phiếu.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa.


An Vũ
Cùng chuyên mục