Đường sắt Cát Linh - Hà Đông báo lãi "lớn" trong năm 2022

11/05/2023 09:41 GMT+7
Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán với khoản lãi gần 97 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 64 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu thuần năm 2022 của Hanoi Metro tăng vọt, đạt 483 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm trước đó.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có doanh thu từ hoạt động bán vé đạt gần 66 tỷ đồng, tăng khoảng 13 lần so với năm 2021. Doanh thu trợ giá cũng tăng mạnh với con số 417 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần 7 lần so với năm trước.

Ngoài ra, giá vốn ở mức 374 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2021, tăng chậm hơn tốc độ tăng doanh thu, nhờ vậy, lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 110 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, công ty có 3.016 tỷ đồng tổng tài sản, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm phần lớn cơ cấu tài sản đạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông báo lãi "lớn" trong năm 2022 - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: V.N

Tài sản ngắn hạn là 455 tỷ đồng, tăng mạnh 332 tỷ đồng so với đầu năm (tương ứng tăng gấp 3,7 lần). Công ty ghi nhận phát sinh 30 tỷ đồng giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn (nắm giữ đến ngày đáo hạn) và phải thu ngắn hạn khác tăng đột biến từ mức 64 tỷ đồng hồi đầu năm lên 336 tỷ đồng.

Trong đó, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn được cho biết là khoản tiền gửi tại BIDV chi nhánh Từ Liêm với kỳ hạn 6 tháng. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận có gần 88 tỷ đồng tiền mặt, tăng khoảng 30 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là hơn 3.049 tỷ đồng, hầu hết là nợ ngắn hạn, trong đó, chỉ tính riêng giá trị khoản phải trả ngắn hạn khác đã lên tới 3.026 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước do Sở Tài chính cấp là 213 tỷ đồng, nguyên giá tạm tăng của tài sản dự án đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến Cát Linh - Hà Đông là 2.668 tỷ đồng; vốn được JICA tài trợ gần 77 tỷ đồng; dự án hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gần 68 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu vẫn âm 33 tỷ đồng, mặc dù vậy, nhờ ghi nhận lãi trong năm 2022 nên tình trạng âm vốn chủ sở hữu đã cải thiện đáng kể. Cuối năm 2021, Hanoi Metro bị âm vốn chủ sở hữu hơn 129 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hanoi Metro tính đến cuối năm 2022 còn 149 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 81 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.

Trong đó, phát sinh dự án tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông với chi phí 68 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công trình dự án tăng cường năng lực cơ quan quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có chi phí xấp xỉ 80 tỷ đồng.

Hanoi Metro có tổng cộng 667 nhân viên đang làm việc tính tại thời điểm cuối năm 2022, giảm nhẹ 9 nhân sự so với đầu năm.

Tuy vậy, chi phí đồng phục (phải trả ngắn hạn) của công ty lại tăng thêm 1,4 tỷ đồng so với đầu năm, lên 3,3 tỷ đồng.

Trong năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu 519 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 6 tỷ đồng. Sản lượng hành khách trong năm dự kiến đạt 10,7 triệu lượt hành khách, với số lượt tàu chở khách là 81.316 lượt.

Thế Anh
Cùng chuyên mục