Egroup của Shark Thủy bị bán giải chấp 2,7 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings
Cụ thể, từ ngày 30/12 đến ngày 6/1, Egroup đã bị CTCP Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 2,7 triệu cổ phiếu IBC. Giao dịch nâng số cổ phiếu IBC bị bán giải chấp của Egroup lên hơn 13 triệu đơn vị.
Sau giao dịch, lượng nắm giữ của Egroup tại Apax Holdings giảm xuống còn 36,7 triệu cổ phần, tương đương 44,11% vốn điều lệ.
Trước đó, từ ngày 16/12 đến ngày 29/12, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Egroup và Apax Holdings đã bị Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Shark Thủy tại IBC hạ xuống còn 6,174% vốn điều lệ, tương đương với 5,134 triệu đơn vị.
Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi giảm sàn kỷ lục 26 phiên liên tiếp, cổ phiếu IBC bất ngờ tăng trần 6 phiên liên tiếp. Đóng phiên ngày 6/1, IBC tăng trần lên mức 3.600 đồng, tăng 49% so với đáy phiên 29/12. Thanh khoản ở mức 934 nghìn đơn vị giao dịch và vẫn có hơn 6 triệu đơn vị được kê mua giá trần.
Việc tăng nóng trong thời gian ngắn đã khiến Apax Holdings phải có đơn giải trình vào chiều ngày 6/1. Theo đại diện công ty, việc giá cổ phiếu IBC tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 29/12 đến 5/1 là do cung cầu cùng của thị trường chứng khoán, quyết định mua bán cổ phiếu là do nhà đầu tư quyết định. Apax Holdings không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Tập đoàn Egroup làm ăn thế nào?
Dữ liệu cho thấy, năm 2021, doanh thu thuần của Egroup ghi nhận 108,58 tỷ đồng, giảm 80,5% so với năm trước đó, giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu với 112,3 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp âm hơn 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 15,6 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng 21% lên gần 66 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 26% lên 44,8 tỷ đồng.
Kết quả, năm 2021 Egroup báo lãi 4,2 tỷ đồng, giảm sâu tới 73% so với năm 2020.
Tổng tài sản tính tới cuối năm 2021 tăng nhẹ 6% lên 1.551 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn tăng 52,3% lên hơn 390 tỷ đồng; trữ tiền giảm tới 99,8% còn vỏn vẹn hơn 33 triệu đồng.
Phải thu ngắn hạn tăng hơn 600% lên 204,4 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng gần 48 tỷ đồng. Trong năm 2021, Egroup đầu tư vào công ty con 822,5 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh hơn 120 tỷ đồng; đầu tư vào các đơn vị khác 20 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 27% lên 427 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn tăng 26,5% lên 320 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 2 lần lên 68,4 tỷ đồng; phải trả người lao động ghi nhận hơn 20 tỷ đồng.
Vay nợ ngắn hạn giảm 16,8% xuống 134 tỷ đồng; vay nợ dài hạn tăng 87,6% lên gần 70 tỷ đồng. Vốn điều lệ tính tới cuối năm 2021 đạt 962,5 tỷ đồng.
Liên quan đến các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đều xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Vào ngày 16/11 vừa qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trước những vụ việc liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương nợ lương giáo viên, đơn vị trực thuộc của Apax Holdings là Apax Leaders mới đây đã có thông báo tái cấu trúc các trung tâm đào tạo Anh ngữ trong hệ thống với mục tiêu nâng cao sự ổn định và chất lượng trong hoạt động giảng dạy.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là các trung tâm chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về vận hành sẽ tạm dừng hoạt động giảng dạy trực tiếp, chuyển học viên sang các trung tâm Apax lân cận hoặc chuyển sang học trực tuyến với giáo viên nước ngoài.