Gà nhập khẩu đang “phá giá” gà trong nước thế nào?

29/08/2020 16:56 GMT+7
Hiện tại, thịt gà nhập khẩu giá rẻ đổ bộ ồ ạt vào thị trường Việt Nam khiến người dân nuôi gà trong nước “khóc ròng” vì thua lỗ kéo dài.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, thịt gà công nghiệp nhập khẩu đang bán tràn lan trên các trang mạng với giá nhập khẩu tới cảng VN (chưa tính các loại thuế) chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg.

Theo đó, dòng sản phẩm này chủ yếu được bán cho các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn bình dân. Giá thịt gà nhập khẩu được cho là siêu rẻ khi chỉ ở mức 30.000-40.000 đồng/kg với đùi, ức, cánh gà. Còn giá cổ gà, xương gà bán ra chỉ 15.000-18.000 đồng/kg.

Với giá gà lông trắng (gà công nghiệp) bán tại trại hiện nay chỉ ở mức 18.000-19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 6.000 đồng/kg vì giá thành đã lên đến 24.000-25.000 đồng/kg. Tính ra, với mỗi con gà xuất bán tại trại có trọng lượng 2,5-3 kg, người nuôi lỗ 15.000 - 18.000 đồng/con.

Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, không chỉ giá gà công nghiệp mà giá gà lông màu (gà tam hoàng) và gà ta thả vườn cũng giảm xuống mức thấp hơn giá thành. Cụ thể, giá gà tam hoàng hiện chỉ 26.000-27.000 đồng/kg, so với giá thành 35.000 đồng/kg nên nông dân lỗ 8.000-9.000 đồng/kg.

Gà nhập khẩu đang “phá giá” gà nội như thế nào? - Ảnh 1.

Mặc dù chịu nhiều thiệt hại, ngành chăn nuôi gà trong nước vẫn chưa đồng lòng làm thủ tục yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Nhận định về tình trạng trên, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, vài năm qua, các hộ nông dân ở Đông Nam bộ điêu đứng vì gà nhập khẩu giá rẻ của Brazil, Mỹ, Hàn Quốc…

Trong khi đó, ngay cả các công ty chăn nuôi trong nước dù giảm tối đa chi phí, giá gà xuất chuồng vẫn ở mức khoảng 35.000 đồng/kg, không thể xuống 20.000 đồng/kg như gà nhập khẩu.

Theo bà Giang phân tích, thời gian tới, có thể áp dụng các hàng rào kỹ thuật, sử dụng ngưỡng về định lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật… để quản lý nhập khẩu, qua đó hạn chế nhập khẩu.

Tuy nhiên, nếu xây dựng rào cản kỹ thuật với hàng nhập khẩu thì hàng trong nước phải đạt được tiêu chuẩn đó trước thì mới có thể áp dụng. Ví dụ, nếu dư lượng kháng sinh trong gà nội địa cao hơn gà nhập khẩu, các nước xuất khẩu có thể sẽ trả đũa bằng các biện pháp khác.

Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin thêm, qua số liệu nhập khẩu và thương vụ Việt Nam tại các nước xuất khẩu gà như Brazil, Hàn Quốc, Mỹ… dấu hiệu bán phá giá của các mặt hàng này là rõ ràng.

Tuy nhiên, để có thể áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước và khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp này thì cần có hồ sơ của đại diện ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, quy trình này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để đứng đơn nộp hồ sơ.

"Chúng tôi đã làm việc với các công ty chăn nuôi để thu thập thông tin và hướng dẫn nộp hồ sơ theo đúng luật nhưng cho đến nay các công ty vẫn chưa thống nhất được với nhau về hồ sơ gửi cục. Đây là điều đáng tiếc vì nếu doanh nghiệp không nộp hồ sơ, chúng tôi không có dữ liệu xem xét thiệt hại của sản xuất trong nước. Như vậy, mấu chốt là đến thời điểm hiện tại chưa có hồ sơ chính thức của ngành sản xuất trong nước nộp lên", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục