Gần 1 triệu người nghỉ hưu lương quá thấp, Thủ tướng Chính phủ "gỡ khó"

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 10/11/2020 12:05 PM (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận phát biểu của nhiều đại biểu về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người nghỉ hưu trước năm 1993 và đề nghị các bộ vào cuộc trình Thủ tướng và Chính phủ.
Bình luận 0

Sáng 10/11, phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ghi nhận ý kiến của các đại biểu về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người có nhiều đóng góp đã nghỉ hưu trước năm 1993. 

"Tôi giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Bộ Tài chính trình thông báo lên Thủ tướng và Chính phủ để xem xét xử lý cụ thể, đúng quy định, đảm bảo nguồn lực tài chính".

Về vấn đề này, trả lời chất vấn của ĐBQH Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: Việc người nghỉ hưu trước năm 1993 và sau năm 1993 có khoảng chênh lệch rất lớn, lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp như đại biểu chất vấn là đúng và đây cũng là một day dứt của Bộ trưởng.

Gần 1 triệu người nghỉ hưu lương quá thấp, Thủ tướng Chính phủ "gỡ khó" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số người hưởng lương hưu, trước 1993 hiện nay là 592.000 người. Lý do căn bản khiến số người này hưởng lương thấp là vì phần đa số này thời gian hưởng lương trước đây rất thấp. Thứ hai, 60% số này nghỉ hưu sớm trước tuổi, còn lại 1/3 là trong lực lượng vũ trang.

"Thời gian vừa qua ý thức được chuyện này, từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân. Tuy nhiên, mức lương hưu hiện nay trong lực lượng trước năm 1993 rất là thấp, thấp nhất hiện nay là 3 triệu/người, cao nhất là 8 triệu/người", Bộ trưởng nói.

Để giải quyết căn bản vấn đề này, tư lệnh ngành LĐTBXH cho rằng, khi điều chỉnh thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng về chính sách bảo hiểm xã hội; thứ hai, sẽ tính toán thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với người đang làm việc.

Thứ ba, điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch tiền lương của người nghỉ hưu cùng chức vụ, cùng vị trí việc làm và cân đối giữa các thời kỳ.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đồng ý với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về giải pháp nhưng đại biểu Tâm cho rằng "ý chí của Bộ trưởng chưa rõ". Cho nên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đưa vấn đề này ra sớm hơn. Bởi vì những người nghỉ trước năm 1993 thì đến bây giờ đã cao tuổi và số lượng còn lại không phải là nhiều.

"Đặc biệt, tôi muốn nói bản chất của vấn đề này đó là các đối tượng nghỉ trước năm 1993 đa số là tham gia trong thời kỳ kháng chiến, thời buổi đó rất khó khăn, nền kinh tế của đất nước khó khăn, các đồng chí này cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình", đại biểu Đoàn TP.HCM nhấn mạnh.

Về lý do nghỉ trước tuổi nên lương thấp, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đó là thực hiện chính sách chung của Đảng, của Nhà nước và của Chính phủ để tinh gọn bộ máy thời bấy giờ, điều này dẫn đến thiệt thòi là rất lớn, dù cống hiến cuả họ cũng rất là lớn.

Như vậy, theo đại biểu, chính sách cần phải nhanh hơn. "Tôi thấy ý chí của Bộ trưởng đưa ra không rõ. Sẽ đề xuất, đề xuất lúc nào? Còn lại bao nhiêu người? Tuổi đời của các đồng chí đó không còn nhiều, ta cần phải có chính sách nhanh hơn. Tôi nghĩ rằng đất nước ta khó khăn nhưng chính sách đối với người đi trước không thể chậm hơn nữa. Tôi đề nghị cần phải có giải pháp cụ thể", nữ đại biểu Đoàn TP.HCM sốt ruột.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, nhân dân và các cụ lão thành nêu lên. Bộ LĐTBXH đã tính toán phương án.

"Chúng ta có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993, nhưng cũng còn 400.000 người nữa nghỉ hưu ở các khoảng thời gian khác nhau, nhưng lương thấp, có người chỉ hơn 1 triệu/tháng" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và thông tin: Chúng ta đã tính là cấp thêm một khoản 500.000 đồng/tháng cho các đối tượng nêu trên, do ngân sách chi trả, mỗi năm chi khoảng 2.400 tỷ đồng /năm, nhưng do khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 nên chưa thể thực hiện trong năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem