Gần 80.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm
Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 79,3 nhìn doanh nghiệp.
Ngày 29/7, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2019. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng tăng 23,9%.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ trong tháng 7 năm nay, cả nước đã có 12.352 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,2 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% về số doanh nghiệp và giảm 26,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong tháng đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 23,3%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 94,9 nghìn người, giảm 15,1%.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 2.690 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,9% so với tháng trước; 2.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 6,4%; có 2.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 15,7%; có 1.434 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,4%.
Xét theo khu vực kinh tế, trong 7 tháng năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác là 1,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có 21,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 27,2%. Khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất với 56,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 71,4%.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các vùng kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2019 cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Vùng Đồng bằng sông Hồng có 24,2 nghìn doanh nghiệp tăng 7,2%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 11,4 nghìn doanh nghiệp tăng 6,8%; Tây Nguyên 2 nghìn doanh nghiệp tăng 10,3%; Đông Nam Bộ 33,1 nghìn doanh nghiệp tăng 3,2% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long 5,5 nghìn doanh nghiệp tăng 0,9%. Chỉ riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước 3,2% đạt 3,1 nghìn doanh nghiệp.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể lên đến 24,8 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 11,8 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng lý doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, chiếm 47,4% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Tiếp đó, doanh nghiệp thông báo giải thể là 7,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,6% và 5,4 nghìn doanh nghệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 22%.
Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm là 9,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 8,4 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng tăng 18,9%. Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.