Gánh nặng nợ vay gần 7 tỷ USD của những "ông vua" lợi nhuận

N.Minh Thứ hai, ngày 24/05/2021 14:20 PM (GMT+7)
Nếu xét ngoài nhóm ngân hàng, TOP 10 doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ bao gồm HPG, VHM, VNM,... có lãi sau thuế gần 8.400 tỷ đồng/tháng trong quý I/2021. Tuy nhiên, nợ vay và thuê tài chính của 10 “ông vua” lợi nhuận này tính đến cuối quý I gần 7 tỷ USD.
Bình luận 0

Theo thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ở khía cạnh lợi nhuận, trên sàn HOSE có 58% số lượng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong quý I/2021, so với mức 1% của lượng doanh nghiệp cùng kỳ các năm trước.

Bức tranh kết quả quý I trên sàn HNX cũng tương tự khi có hơn 50% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trên 20%.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhờ tận dụng cơ hội từ thị trường đã đem về lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong quý, thậm chí có những doanh nghiệp đã đạt được mức lãi quý cao kỷ lục trong nhiều năm hoạt động.

TOP 10 lợi nhuận: Hòa Phát bất ngờ vượt lên dẫn đầu, Hoa Sen lần đầu góp mặt

Nếu xét ngoài nhóm ngân hàng, thống kê của Dân Việt cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của 10 "ông vua" lợi nhuận phi ngân hàng quý I/2021 đạt 25.173 tỷ đồng, bình quân 8.400 tỷ đồng/tháng. Trong đó, Hòa Phát là cái tên nổi bật nhất. 

Theo đó quý I/2020, Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long đứng vị trí thứ 8 trong top 10 về lợi nhuận với con số còn khá khiêm tốn, chỉ hơn 2.304 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quý I năm nay, "vua thép" lãi sau thuế hơn 7.000 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ dẫn đầu khối doanh nghiệp (không tính nhóm ngân hàng) về lợi nhuận.

Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của Hòa Phát tăng trưởng so với quý trước đó. Cùng với vị trí quán quân về lợi nhuận, cổ phiếu HPG cũng tăng mạnh với tỷ lệ tăng 52% kể từ đầu năm 2021, đang giao dịch ở vùng đỉnh.

Gánh nặng nợ vay gần 7 tỷ USD của những "ông vua" lợi nhuận - Ảnh 1.

Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ (ngoài ngân hàng) quý I/2021

Hai đại diện phi ngân hàng còn lại là Vinhomes (VHM) và Vinamilk (VNM), với lợi nhuận đều thấp hơn cùng kỳ. Vinhomes lãi sau thuế 5,478 tỷ đồng, còn lợi nhuận của Vinamilk cũng thấp hơn 6% báo lãi 2,597 tỷ đồng quý vừa qua.

Đại diện cho các doanh nghiệp lĩnh vực dầu khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV GAS, mã: GAS) ghi nhận doanh thu thuần tăng 3% lên 17.570 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế ngược chiều, giảm 12% về 2.057 tỷ nhưng cũng góp mặt vào bảng vàng các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ.

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) gây sốt khi quý I năm ngoái doanh nghiệp ghi nhận số lỗ hơn 2.348 tỷ đồng. Đến quý I năm nay, BSR bất ngờ báo lãi sau thuế 1.848 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng trưởng so với quý liền trước.

Tổng công ty Máy động lực và máy công trình VEAM (VEA) công bố số lãi sau thuế 1.446 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ các công ty liên doanh liên kết. 

Với con số lợi nhuận này, VEA đứng vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng lợi nhuận nghìn tỷ của nhóm phi ngân hàng.

Thế giới Di động (MWG) của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài đứng trong TOP các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ quý I khi tăng trưởng 5% doanh thu, lên 30.828 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 18% đạt 1.339 tỷ đồng.

Nhóm ngành cao su chỉ góp 1 cái tên là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) với 1.216 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,6 lần lợi nhuận đạt được trong quý 1 năm ngoái.

Bên cạnh đó, FPT cũng là cái tên được ghi danh khi báo lãi 1.151 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Hưởng lợi nhờ giá thép tăng mạnh, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) của đại gia Lê Phước Vũ đã lần đầu ghi tên mình vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ sau quý I. 

Cụ thể, doanh thu quý II niên độ tài chính 2020 - 2021 của Hoa Sen (từ 1/1 - 31/3) đạt 10.846 tỷ và lãi sau thuế 1.035 tỷ, tăng trưởng lần lượt 88% và 415%.

Gánh nặng nợ vay lên gần 7 tỷ USD, Hòa Phát chiếm 1/3

Thống kê báo cáo tài chính của TOP 10 doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ (ngoài ngân hàng) cũng cho thấy, tổng nợ vay và thuê tài chính lên tới 157.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 7 tỷ USD).

Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn trên 106.000 tỷ đồng và còn lại là nợ vay và thuê tài chính dài hạn 50.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% tổng nợ vay của nhóm doanh nghiệp này.

Gánh nặng nợ vay gần 7 tỷ USD của những "ông vua" lợi nhuận - Ảnh 3.

Tạo ra số lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I lên tới 7.000 tỷ đồng, song tính đến cuối quý I/2021 nợ vay của Hòa Phát do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT lên tới trên 55.000 tỷ đồng.

Con số này gấp gần 8 lần con số lợi nhuận quý I của Hòa Phát và bằng một nửa số nợ vay của 9 doanh nghiệp phía sau cộng lại.

Tiếp theo là Vinhomes với số dư nợ vay tính đến 31/3/2021 đạt 23.000 tỷ đồng.

Cặp đôi song hành MWG và FPT gánh khoản nợ vay gấp trên dưới 14 lần lợi nhuận sau thuế quý I, với số nợ vay lần lượt là 17.460 tỷ và 14.800 tỷ đồng.

Có số nợ vay ít thấp nhất là Tổng công ty Máy động lực và máy công trình VEAM (VEA) với 167 tỷ đồng, chỉ bằng 11,5% con số lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của doanh nghiệp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem