Hòa Phát chi 1.657 tỷ trả cổ tức, gia đình tỷ phú Trần Đình Long nhận hơn 580 tỷ
Hòa Phát chia cổ tức tỷ lệ 40%, gia đình Chủ tịch Trần Đình Long bỏ túi hàng trăm tỷ tiền mặt
Cổ tức năm 2020 của Tập đoàn Hòa Phát gồm hai phần: 5% mệnh giá bằng tiền mặt (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng) và 35% bằng cổ tức.
Hòa Phát hiện có vốn điều lệ 33.133 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3,31 tỷ cổ phiếu HPG đang lưu hành. Vì vậy, tập đoàn này sẽ cần chi gần 1.657 tỷ đồng tiền mặt và phát hành mới 1,16 tỷ cổ phiếu HPG để trả cổ tức.
Cổ tức tiền mặt sẽ được thanh toán vào ngày 11/6. Trong khi đó, cổ tức bằng cổ phiếu sẽ phát hành vào tháng 5-7/2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Với tỷ lệ này, cổ đông nắm giữ 20 cổ phiếu HPG sẽ được nhận thêm 7 cổ phiếu mới.
Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng từ 33.133 tỷ đồng lên thành 44.730 tỷ đồng.
Tại Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long đang sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 26,08% vốn điều lệ của Hòa Phát.
Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền đang nắm giữ 243,06 triệu cp, tương đương 7,34% vốn.
Con trai là Trần Vũ Minh nắm giữ 48 triệu đơn vị. Công ty riêng của ông Minh (Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong) có 1,56 triệu đơn vị.
Ba người anh em ruột của ông Long cũng đang nắm giữ 1,26 triệu cổ phần.
Tổng cộng, gia đình ông Trần Đình Long đang nắm giữ xấp xỉ 35% vốn của Hòa Phát. Theo tỷ lệ cổ tức tới đây, gia đình Chủ tịch Trần Đình Long sẽ bỏ túi gần 580 tỷ đồng cổ tức tiền mặt và trên 400 triệu cổ phiếu HPG.
Hòa Phát hưởng lợi từ giá thép cao kỷ lục, lãi ròng có thể lên tới 23.900 tỷ
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG đang giao dịch quanh mức 61.300 đồng/cp. Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại báo cao mới nhất, VCSC duy trì khuyến nghị khả quan đối với mã HPG dù thị giá đã tăng mạnh 46% trong 3 tháng qua.
Nguyên nhân, giá thép cao kỷ lục hỗ trợ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 và dự án Dung Quất giai đoạn 2 được triển khai.
VCSC cũng nâng dự báo lãi ròng năm 2021 của HPG thêm 36% lên 23.900 tỷ đồng (tăng 78%) chủ yếu do giả định giá bán trung bình (ASP) năm 2021 cao hơn đối với các sản phẩm thép nhờ giá thép tăng mạnh hơn dự kiến tính từ đầu năm đến nay.
Mặt khác, HPG đang được hưởng lợi từ việc Chính phủ tăng chi tiêu sau dịch Covid-19. Vị thế dẫn đầu của HPG với quy mô lớn và hiệu quả hoạt động đã được chứng minh - cùng với việc mở rộng công suất và đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc phát triển Dung Quất giai đoạn 1 và đầu tư vào Dung Quất giai đoạn 2 - cho phép Hòa Phát nắm bắt được tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong nước trong tương lai.
Dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 13% trong giai đoạn 2020-2025.
Kết thúc quý I/2021, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 31.176,9 tỷ đồng và 7.005,6 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng trưởng 62,1% và 204% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 19,6% lên 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về cơ cấu lợi nhuận, trong đó 6.500 tỷ đồng lợi nhuận sản xuất và 500 tỷ đồng từ bán công ty nội thất.
Được biết, trong năm 2021, Hòa Phát dự kiến doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 18.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 38,9% kế hoạch lợi nhuận năm tài chính.