GDP năm 2024 dự báo tăng trưởng đến 6%, lộ diện loạt yếu tố gây rủi ro lạm phát

25/12/2023 08:11 GMT+7
Theo các nhà phân tích, tăng trưởng GDP Việt Nam dự báo đạt 4,8% trong năm 2023 và tăng trưởng 5,9% - 6% năm 2024. Trong khi đó, CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở động ở mức 3,5% - 3,6%

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 4,8% trong năm 2023

Sau khi có sự khởi đầu chậm chạp trong quý I/2023, kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng cải thiện qua các quý liên tiếp. Cụ thể, quý I/2023 tăng 3,28%, quý II/2023 tăng 4,05% và quý III/2023 tăng 5,33%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, GDP chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ - cách khá xa so với mục tiêu 6,5% từ đầu năm, và cũng là mức tăng trưởng thấp trong 4 năm trở lại đây.

Trong khi cả khu vực dịch vụ và nông lâm ngư nghiệp duy trì xu hướng tích cực, khu vực công nghiệp và xây dựng suy giảm do tổng cầu thế giới vẫn suy yếu, chi phí nguyên vật liệu và chi phí lãi vay ở mức cao.

Khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng 2023. Đây là mức tăng thấp nhất cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ tiêu dùng tăng 6,3% so với cùng kỳ, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng ổn định 3,4%; đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP cả nước trong 9 tháng đầu năm.

Theo dự báo của các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), GDP năm 2023 đạt mức 4,7% - 4,8%, trong đó dự báo GDP quý 4 sẽ tăng 6,1% - 6,3% trên cơ sở nền thấp cùng kỳ năm ngoái.

GDP năm 2024 dự báo tăng trưởng đến 6%, lộ diện loạt yếu tố gây rủi ro lạm phát - Ảnh 1.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 4,8% trong năm 2023.

Về tăng trưởng GDP năm 2024, các nhà phân tích dự báo, GDP năm 2024 tăng trưởng 5,9% - 6%, cao hơn so với 2023, song thấp hơn một chút so với mục tiêu của Chính phủ.

Trong đó, động lực tăng trưởng là xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng 6% - 7% trong năm 2024, thặng dư cán cân thương mại ở mức 12 – 15 tỷ USD.

Làm rõ về động lực tăng trưởng này, các nhà phân tích đề cập: Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, xuất khẩu sẽ tích cực hơn trong năm 2024, nhờ các yếu tố sau.

Thứ nhất, theo WTO, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024, cao hơn mức 0,8% trong năm 2023 chủ yếu nhờ hàng tồn kho thế giới đã tạo đáy cũng như áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể.

Thứ hai, nhu cầu điện thoại đã có dấu hiệu tạo đáy trong quý II/2023. Mặc dù sản lượng điện thoại toàn cầu quý III/2023 vẫn giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ song đã tăng 11,8% so với quý liền trước, chủ yếu do cầu tiêu dùng Trung Quốc đã phục hồi tích cực.

Thứ ba, nhu cầu linh kiện điện tử cũng dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tháng tới nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất chip và gia tăng nhu cầu ứng dụng công nghệ AI. Theo báo cáo từ SEMI và TechInsights, doanh số hàng điện tử (GPUs, CPUs, IC,…) toàn cầu, đã tăng 7% trong quý III/2023, và dự kiến sẽ tăng mạnh 22% trong quý IV/2023.

GDP năm 2024 dự báo tăng trưởng đến 6%, lộ diện loạt yếu tố gây rủi ro lạm phát - Ảnh 2.

Dự báo tăng trưởng xuất nhập khẩu và cán cân Thương mại năm 2023 - 2024.

Về thị trường, đối với thị trường Mỹ, theo các nhà phân tích mức độ phục hồi sẽ chậm hơn do của chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như hiệu ứng từ việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ phát huy tác dụng từ cuối năm 2024.

Đối với thị trường Trung Quốc, kỳ vọng thị trường xuất khẩu vào quốc gia sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2024 nhờ tiêu dùng tăng trở lại. Bên cạnh nỗ lực khai thác các thị trường lớn và truyền thống, việc mở thêm được các thị trường xuất khẩu mới là rất quan trọng, nhất là trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Được biết Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)… để đa dạng hóa thị trường, qua đó góp phần hóa giải những khó khăn và phục hồi xuất khẩu trong ngắn hạn.

Những thách thức đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 bao gồm: chi phí vận tải có thể tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị (bất ổn ở khu vực biển Đỏ, chiến tranh khu vực Trung Đông,...); gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đổi thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,... Trong khi đó, ở trong nước, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đương đầu với chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, chi phí đầu vào tăng do tăng giá điện, tăng lương cơ bản,...

Đối với động lực tăng trưởng từ đầu tư công, các nhà phân tích đánh giá: Năm 2024 được xem là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 đồng thời cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Hiện hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư do đó năm nay là thời điểm đẩy nhanh tiến độ.

"Chúng tôi ước tính kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cho năm 2024 vào khoảng 750.000 tỷ đồng (bao gồm phần kết chuyển từ 2023). Chúng tôi kỳ vọng khi các nút thắt đầu tư những năm trước đã được tháo gỡ (chẳng hạn như công tác chỉ định thầu đẩy nhanh quá trình giao thầu, việc khai thác các mỏ đất đá mới đã được cấp phép, giá nguyên vật liệu xây dựng đã hạ nhiệt so với giai đoạn 2021-22,…), giải ngân đầu tư công thực tế năm 2024 sẽ đạt khoảng 85 – 90% kế hoạch, tương ứng với tăng trưởng 38% - 45% so với năm 2023", các nhà phân tích cho hay.

CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở động ở mức 3,5% - 3,6%

Về lạm phát, số liệu thống kê cho thấy CPI tháng 11/2023 tăng 3,5% so với cùng kỳ và bình quân 11 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ duy trì dưới mức mục tiêu 4,5% của chính phủ. Tốc độ tăng CPI đã giảm từ tháng 10 nhưng các nhà phân tích tại MBS cho rằng lạm phát vẫn chịu áp lực vào tháng cuối của năm bởi những yếu tố như giá máy bay và chi phí đi lại tăng cao do yếu tố mùa vụ và giá gạo tăng theo giá xuất khẩu và dự kiến đẩy CPI trung bình cả năm 2023 sẽ dao động ở mức 3,4%.

Chuyên gia dự kiến CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở động ở mức 3,5% - 3,6%, mức lạm phát vẫn duy trì nằm trong kế hoạch đề ra của chính phủ là 4%-4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp.

Lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh, theo các chuyên gia. Theo đó, lạm phát sẽ chịu rủi ro bởi các yếu tố.

Thứ nhất, giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với cùng kỳ) trong năm 2024 nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.

Đồng thời các chính sách hỗ trợ sẽ thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa và tác động đến chỉ số giá của nhóm vật liệu xây dựng.

Hai là, giá điện đã tăng lần thứ hai trong năm từ ngày 09/11 sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng đầu năm 2024 và tác động đến các hàng hóa, sản phẩm và các dịch vụ liên đới và đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên.

Ba là, trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo sẽ tăng trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường châu Á và châu Phi tăng lên, giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao. Giá gạo toàn cầu trung bình năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024 (theo dự báo của WB) tiếp tục tác động đến giá lương thực thực phẩm.

Ngoài ra, giá dầu cũng là một yếu tố đáng chú ý trong năm sau trong bối cảnh các xung đột quốc tế có thể kéo dài. Tuy nhiên, triển vọng giá dầu chưa thực sự rõ ràng vì các cam kết cắt giảm từ OPEC+ hiện tại chỉ chắc chắn kéo dài đến hết quý I/2024, sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+ liên tục gia tăng trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm do ảnh hưởng từ nền kinh tế. Các nhà phân tích MBS dự báo báo giá dầu trung bình năm 2024 sẽ trong khoảng 83 - 85 USD/thùng, tức là tăng nhẹ khoảng 1,2% - 3,6% so với giá dầu trung bình năm 2023

H.Anh
Cùng chuyên mục