Giá cà phê hai sàn bất ngờ điều chỉnh giảm cuối tuần, cà phê nội cũng hạ nhiệt

17/06/2023 11:37 GMT+7
Giá cà phê hai sàn bất ngờ điều chỉnh giảm cuối tuần. Giá cà phê hôm nay (17/6) tại thị trường trong nước cũng hạ nhiệt 100 - 200 đồng/kg. Theo đó, mức giao dịch thấp nhất trong các địa phương là 66.000 đồng/kg...

Giá cà phê hôm nay 17/6: Cà phê nội quay đầu giảm

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 8 USD, xuống 2.796 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 10 USD, còn 2.747 USD/ tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 2,10 cent, xuống 184,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,20 cent, còn 179,00 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê hai sàn bất ngờ điều chỉnh giảm cuối tuần, cà phê nội cũng giảm giá - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 17/06/2023 lúc 11:06:02 (delay 10 phút)

Giá cà phê hai sàn bất ngờ điều chỉnh giảm cuối tuần, cà phê nội cũng giảm giá - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 17/06/2023 lúc 11:06:02 (delay 10 phút)

Giá cà phê hai sàn bất ngờ điều chỉnh giảm cuối tuần, cà phê nội cũng giảm giá - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 66.000 - 66.700 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 66.000 - 66.700 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 66.000 đồng/kg - giảm 100 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 66.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.700 đồng/kg sau khi giảm 100 đồng/kg. Đây là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương được khảo sát.

Giá cà phê hai sàn điều chỉnh giảm phiên cuối tuần do USDX hồi phục nhẹ, các quỹ và đầu cơ vội vàng thanh lý vị thế ròng để giảm thiểu rủi ro do chỉ báo kỹ thuật cho thấy đã vào vùng quá mua trước đó và sàn New York sẽ đóng cửa nghỉ lễ quốc gia vào ngày đầu tuần tới. Trong khi các nhà kinh doanh cà phê Arabica cũng không vội vàng đưa hàng về sàn đăng ký lấy Chứng nhận do họ còn chờ giá giảm thêm với áp lực bán hàng vụ mới đang thu hoạch ở Brazil ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, giá cà phê Robusta phiên ngày 16/06/2023 đã thiết lập mức cao 15 năm mới khi chạm vào mốc 2.854 USD/tấn do các lệnh mua kỹ thuật của các quỹ và đầu cơ trước mối lo nguồn cung vẫn còn bị thắt chặt và có sự hỗ trợ từ báo cáo tồn kho ICE – London giảm bớt 2.330 tấn, tức giảm 2,97% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 76.240 tấn, mức giảm rất đáng kể trong tuần qua.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo trong niên vụ 2022-2023 sản lượng cà phê Arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao. Trong khi sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây.

Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA.

Trong khi đó, nguồn cung từ Brazil, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai, thấp hơn đáng kể với khối lượng xuất khẩu đạt 0,4 triệu bao trong 4 tháng đầu năm 2023 so với gần 0,5 triệu bao cùng kỳ năm 2022 và 1,24 triệu bao trước đó.

USDA dự báo sản lượng cà phê Robusta của Brazil trong niên vụ 2023-2024 (tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) chỉ đạt 21,7 triệu bao, giảm 5% so với niên vụ 2022-2023. Nguyên nhân là do năng suất giảm và điều kiện thời tiết xấu do lượng mưa thấp hơn trong giai đoạn đầu của chu kỳ cây trồng.

Còn tại Indonesia, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) dự kiến sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm tới 20% trong năm 2023 so với vụ trước, xuống còn 9,6 triệu bao do thời tiết mưa nhiều tại các khu vực trồng trọt chính. Indonesia hiện là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến sẽ phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê Robusta nhiều hơn so với Arabica. Hiện tượng thời tiết này sẽ làm gián đoạn mô hình mưa và nhiệt độ, có thể gây thắt chặt thêm nguồn cung và tăng giá cà phê Robusta.

Các nhà phân tích và chuyên gia thời tiết cho biết, hai quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil có thể bị thiệt hại về năng suất nếu hiện tượng El Nino phát triển mạnh.

Tính đến cuối tháng 5, dự trữ cà phê Robusta được chứng nhận trên sàn London là 1,4 triệu bao (loại 60 kg), tăng 5,9% so với tháng trước. Trái lại, dự trữ Arabica trên sàn New York giảm 11,2% xuống còn 0,66 triệu bao.

Về tiêu thụ: Thống kê của ICO cho thấy, trong tháng 4 năm nay xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt hơn 10,1 triệu bao, giảm 2,6% so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (22/10/2022 đến 23/4/2023), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6,2% (4,77 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 72,2 triệu bao. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4/2023, xuất khẩu cà phê Arabica đạt tổng cộng 75,2 triệu bao, giảm 9,6% so với năm trước; trong khi xuất khẩu Robusta đạt 48,5 triệu bao, giảm 1%.

Chỉ tính riêng cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu với 9,2 triệu bao trong tháng 4, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, đây đã là tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp của xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu kể từ đầu niên vụ 2022-2023. Do đó, tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu chỉ đạt 64,9 triệu bao, giảm 6,4% so với niên vụ trước.

Trong 7 tháng qua, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Brazil giảm 9% xuống còn 21 triệu bao; Arabica khác giảm 13,8% xuống 11,2 triệu bao; Arabica Colombia giảm 15,3% xuống 6,3 triệu bao. Riêng Robusta tăng lên 26,4 triệu bao so với 25,8 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Với kết quả này, tỷ trọng cà phê Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên mức 40,6% từ mức 37,2% của niên vụ trước. Đây cũng là tỷ trọng cao nhất của Robusta trong cơ cấu cà phê nhân xuất khẩu trong những niên vụ gần đây. Trái lại, tỷ trọng của Arabica giảm từ 62,8% xuống còn 59,4%.

Xuất khẩu cà phê hòa tan cũng giảm 3,7% trong tháng 4 xuống còn 0,87 triệu bao. Lũy kế 7 tháng đầu niên vụ, tổng cộng 6,8 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu, giảm 4,3% so với 7,1 triệu bao của cùng kỳ niên vụ cà phê trước.

Xét về tỷ trọng, cà phê hòa tan chiếm 9,4% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tăng nhẹ so với 9,1% của tháng 4/2022. Brazil hiện là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, với khối lượng 0,34 triệu bao trong tháng 4.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê rang xay trong tháng 4 bất ngờ tăng mạnh 38,6% lên 72.925 bao. Mặc dù vậy, từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 xuất khẩu cà phê rang xay giảm nhẹ xuống 0,44 triệu bao, so với 0,45 triệu bao của cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê cũng ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết các nhà cung cấp...

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục