Giá dầu thế giới nhảy vọt kỷ lục trước khả năng OPEC+ không tăng mạnh sản lượng dầu

26/06/2021 15:30 GMT+7
Trong phiên giao dịch đêm qua trên thị trường Mỹ, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 đến nay do kỳ vọng thị trường cầu sẽ vượt cung và động thái thận trọng của OPEC+.

Chốt phiên giao dịch đêm qua, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 0,8%, lên 76,18 USD / thùng, trong khi giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ tăng 1,0% lên 74,05 USD/ thùng. Đây là mức giá cao nhất của cả hai kể từ tháng 10/2018 đến nay. Chỉ tính riêng trong tuần qua, cả giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 3%.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Giá dầu thô tăng do triển vọng nhu cầu dầu được cải thiện và kỳ vọng thị trường rằng cung dầu tiếp tục thắt chặt trong bối cảnh OPEC+ có khả năng chỉ nới lỏng một phần nhỏ sản lượng trong cuộc họp vào ngày 1/7 tới”.

Thị trường hiện đang tập trung vào cuộc họp tiếp theo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh, còn gọi là OPEC+, diễn ra vào ngày 1/7 tới. Tại phiên họp này, OPEC+ sẽ thảo luận về việc nới lỏng hơn nữa việc cắt giảm sản lượng dầu đã được thực hiện gần một năm qua.

Giá dầu thế giới nhảy vọt kỷ lục trước khả năng OPEC+ không tăng mạnh sản lượng dầu - Ảnh 1.

Giá dầu thế giới nhảy vọt kỷ lục trước khả năng OPEC+ không tăng mạnh sản lượng dầu (Ảnh: Reuters)

Nhà phân tích Stephen Brennock từ công ty môi giới dầu PVM nhận định: “Nhóm OPEC+ có nhiều dư địa để thúc đẩy nguồn cung dầu mà không làm sụt giảm dự trữ dầu trong bối cảnh triển vọng nhu cầu dầu lạc quan trong thời gian tới”.

Về phía cầu, các yếu tố chính mà OPEC + sẽ phải xem xét là sự tăng trưởng nhu cầu dầu mạnh mẽ ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và tốc độ triển khai tiêm chủng vắc xin diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, ở những khu vực khác trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tốc độ tiêm chủng còn chậm do nguồn cung vắc xin hạn chế.

Ngoài ra, viễn cảnh Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran giúp nước này đưa thêm dầu vào thị trường đã mờ đi trông thấy. Điều này cũng góp phần đẩy giá dầu lên cao trong những ngày qua do áp lực cầu lớn hơn cung. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây cho hay vẫn còn những khúc mắc nghiêm trọng liên quan đến sự tuân thủ của Tehran với thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Theo ông Blinken, việc thiếu một thỏa thuận tạm thời giữa cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc và Iran về việc giám sát các hoạt động nguyên tử là một mối quan ngại nghiêm trọng. Thỏa thuận đã hết hạn từ đêm 24/6, nhưng Iran hiện không phản hồi đề nghị của  cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc về việc gia hạn một thỏa thuận khác. Theo Washington, điều này sẽ gây tổn hại cho nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Các nhà phân tích tại ClearView Energy Partners LLC cho biết: “Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran không đạt được trước ngày 1/7, chúng tôi dự báo OPEC+ sẽ duy trì thiết lập hạn ngạch sản lượng dầu cho từng tháng và không tăng mạnh sản lượng trong cuộc họp sắp tới”.

Một lý do khác khiến OPEC+ có khả năng hành động thận trọng như vậy là do tăng trưởng sản lượng dầu đang giảm ở Mỹ, khiến OPEC+ có nhiều khả năng sẽ duy trì kiểm soát thị trường, tạo điều kiện cho giá dầu tăng trước khi sản lượng dầu đá phiến có thể tăng trở lại vào năm 2022.


NTTD
Cùng chuyên mục