Dầu tăng lên mức kỷ lục 2 năm trước cuộc họp OPEC+
Sáng 1/6 (giờ Mỹ), giá dầu Brent kỳ hạn chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 71,15 USD / thùng, tức tăng khoảng 2,7%. Giá dầu WTI kỳ hạn đứng ở mức 68,61 USD, tăng hơn 3% và là mức đỉnh kỷ lục trong hơn 2 năm qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 30%.
Tổ chức các nhà xuất khẩu dầu OPEC và các đồng minh đã có cuộc thảo luận trực tuyến để bàn về giai đoạn tiếp theo của chính sách sản lượng dầu cho toàn khối trong bối cảnh triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu lạc quan khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch.
Nhóm các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông thuộc OPEC+, vốn cung cấp hơn 30% sản lượng dầu toàn cầu đang tìm cách cân bằng nhu cầu dầu tăng dự kiến với tiềm năng Iran tăng sản lượng dầu.
Hồi năm 2020, OPEC+ đã đồng thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục tới 9,7 triệu thùng/ ngày để bình ổn thị trường dầu toàn cầu vốn đã chạm đáy khi nhu cầu giảm kỷ lục do đại dịch. Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 1/5/2020 và kéo dài đến nay với mức cắt giảm được điều chỉnh qua từng cuộc họp cụ thể để phù hợp với bối cảnh thị trường dầu.
OPEC+ hy vọng sẽ hỗ trợ giá dầu bằng cách đẩy thị trường vào giai đoạn thiếu hụt nguồn cung, sử dụng một cơ cấu giá gọi là “backwardation” (bù hoãn bán là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng tương lai thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn, gợi ý về sự thiếu hụt nguồn cung trong thị trường giao ngay) để giảm dần lượng thùng dầu tích trữ trong suốt mùa đại dịch.
Thời điểm đó, chuyên gia Per Magnus Nysveen của Rystad Energy nhận định: “Thỏa thuận có thể xem là một cái phao cứu trợ tạm thời cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung… Mặc dù mức cắt giảm sản lượng nhỏ hơn những gì thị trường cần và chỉ có tác dụng hoãn lại một số mức giảm trên thị trường chứng khoán”.
Cuối năm ngoái, OPEC+ đã thống nhất giảm mức cắt giảm sản lượng xuốn còn 7,7 triệu thùng/ ngày và sau đó là 7,2 triệu thùng/ ngày từ tháng 1/2021 do triển vọng lạc quan về nhu cầu năng lượng, bất chấp làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo bùng phát tại nhiều quốc gia. Đến tháng 7, mức cắt giảm sản lượng được dự báo sẽ giảm xuống 5,8 triệu thùng/ ngày.
OPEC + dự kiến sẽ tái thảo luận quyết định tăng dần sản lượng trong cuộc họp tuần này.
Ông Jeffrey Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng OPEC+ sẽ xác nhận lại kế hoạch cơ bản về tiến trình tăng dần sản lượng mà họ đã đặt ra hôm 1/4”. Ông Currie cũng bày tỏ quan ngại rằng vấn đề cơ bản là OPEC+ định đối phó với nguy cơ tăng sản lượng dầu từ Iran ra sao.
Iran hiện đang thảo luận với 6 cường quốc về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Điều này có nguy cơ dẫn đến hệ quả dầu từ Iran tràn ra thị trường toàn cầu trong những tháng tới.
Tuy nhiên, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nhận định rằng nguồn cung dầu lớn hơn từ Iran có thể không phải là yếu tố đáng quan ngại. “Tôi dự báo rằng sự trở lại của dòng cung dầu từ Iran sẽ diễn ra một cách trật tự và minh bạch”.