Giá dầu vẫn đi xuống khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sắp hết hạn

23/03/2020 10:46 GMT+7
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch hôm 23/3 sau khi các chính phủ tăng cường biện pháp phong tỏa quốc gia để ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19. Động thái này làm mờ đi triển vọng nhu cầu dầu.
Giá dầu tiếp đà giảm khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sắp hết hạn - Ảnh 1.

Giá dầu đã giảm mạnh 60% kể từ đầu năm 2020 đến nay do tác động của khủng hoảng đại dịch virus corona

Giá dầu thô Brent tương lai giảm 1,09 USD, tương đương 4%, xuống 25,89 USD / thùng.

Hợp đồng tương lai dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giảm 0,15 USD, tương đương 0,7%, xuống mức 22,48 USD / thùng.

Giá dầu đã giảm liên tiếp trong 4 tuần qua trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái, làm mờ đi triển vọng vực dậy nhu cầu dầu. Ước tính, giá dầu đã giảm tới 60% kể từ đầu năm 2020 đến nay. Không riêng thị trường dầu mỏ, thị trường chứng khoán cũng tiến vào lãnh thổ khủng hoảng khi các nhà đầu tư lo ngại những biện pháp hỗ trợ từ các ngân hàng Trung Ương là không đủ để đưa nền kinh tế thoát khỏi lãnh thổ suy thoái.

Tính đến sáng 23/3, toàn thế giới có 332.404 ca nhiễm virus corona được xác nhận, trong đó có 14.591 ca tử vong và 96.229 ca điều trị phục hồi. Đại dịch lan tỏa đến hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 6 châu lục đã khiến nhiều chính phủ như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy… buộc phải phong tỏa toàn bộ hoặc một phần quốc gia trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Các hoạt động phong tỏa như vậy đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, làm trì trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy các ngành du lịch, dịch vụ quán ăn nhà hàng, hàng không, giải trí… vào tổn thất nặng nề. Các biện pháp hạn chế giao thông cũng như đóng cửa nhà máy khiến nhu cầu dầu trên thế giới có xu hướng giảm mạnh. Nhiều công ty dầu mỏ hiện đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu, thậm chí cho nhân viên nghỉ phép không lương để hạn chế tối đa chi phí vận hành.

Cú sốc kép đến khi chiến tranh giá dầu giữa Nga và Arab Saudi nổ ra, khiến giá dầu phải chịu sức ép từ cả hai phía nhu cầu giảm và nguồn cung tăng lên. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 2,1 triệu thùng giữa OPEC và các đồng minh trong đó có Nga sẽ hết hạn vào 31/3 mà không được gia hạn thêm. Nga cũng từ chối ký vào cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng mà OPEC, dẫn đầu là Arab Saudi khuyến nghị để bình ổn thị trường dầu do tác động của đại dịch virus corona. Sự giận dữ trước hành động của Nga khiến Aran Saudi lập tức tuyên bố tăng cường sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng kể từ tháng 4, tăng từ mức 9,7 triệu thùng hiện tại. Nga cũng gợi ý tăng sản lượng dầu kể từ sau khi thỏa thuận với OPEC hết hạn vào cuối tháng 3.

Các nhà phân tích dự đoán giá dầu thế giới sắp chạm đáy 20 USD/ thùng khi dầu tràn ngập thị trường. 

Joseph McMonigle, nhà phân tích chính sách năng lượng cao cấp của Hedgeye Potomac Research nhận định: “Chúng tôi tin rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh trong ngắn hạn khi đại dịch tấn công thị trường dầu mỏ, chứng khoán toàn cầu trong khi nguồn cung tăng lên không giới hạn từ ngày 1/4”. 

Nhu cầu dầu dự kiến sẽ giảm hơn 10 triệu thùng/ ngày, hoặc khoảng 10% lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu hàng ngày, theo ông Giovanni Serio, nhà nghiên cứu tại Vitol - tập đoàn kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Goldman Sachs ước tính nhu cầu giảm 8 triệu thùng/ ngày, do hoạt động sản xuất trì trệ trên thế giới vì lệnh phong tỏa của các chính phủ.

Các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới do đó đang tiến hành cắt giảm sản lượng hoặc xem xét cắt giảm sản lượng khi đại dịch virus corona làm bốc hơi nhu cầu dầu.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục