Giá hàng hoá "đu" theo giá xăng tăng và cách hành xử của người dân miền Tây (bài 4)

Huỳnh Xây - Chúc Ly Thứ tư, ngày 16/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Đối với người dân có thu nhập thấp ở ĐBSCL, việc giá xăng tăng đã làm gia tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận khiến cuộc sống vốn đã khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nay càng thêm khó khăn.
Bình luận 0

LTS: Sau khi giá xăng tăng kỷ lục, ghi nhận của phóng viên Dân Việt từ nhiều vùng miền cho thấy nhiều doanh nghiệp đã "trục lợi", "té nước theo mưa" để tăng giá hàng hoá. Điều này đã tác động tiêu cực tới đời sống người dân và đặc biệt gây ra ảnh hưởng nhất định tới chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Chính phủ. Trong bối cảnh người dân đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, việc hàng hóa tiêu dùng tăng cao khiến người dân thêm nặng gánh chi tiêu.

Loạt bài "Loạt hàng hóa ồ ạt tăng theo giá xăng, người dân oằn vai gánh nặng chi tiêu" của Dân Việt sẽ ghi nhận tâm tư của người tiêu dùng trên toàn quốc trước việc hàng loạt mặt hàng tăng giá ồ ạt, giúp cho cơ quan quản lý có cái nhìn bao quát và đưa ra những giải pháp phù hợp để chấm dứt tình trạng này, cũng như có những biện pháp đủ sức răn đe các doanh nghiệp tìm cách trục lợi trong thời điểm hết sức nhạy cảm này. 

 Hàng hoá "đu" theo giá xăng, dân nông thôn cải thiện bữa ăn bằng vườn rau, ao cá

Ghi nhận của phóng viên tại chợ đầu mối phường 7, TP. Cà Mau (Cà Mau), các mặt hàng rau, củ đều tăng lên từ 2.000-5.000 đồng tùy loại.

Giá xăng tăng ở ĐBSCL: Người dân có thu nhập thấp chịu tác động lớn  - Ảnh 1.

Chợ đầu mối phường 7, TP.Cà Mau (Cà Mau). Ảnh: Chúc Ly

Chị Nguyễn Thị Lệ, chủ một cửa hàng rau ở chợ phường 7, cho biết: "Các mặt hàng rau, củ lấy hàng tại địa phương hay các tỉnh lân cận thì có giá tăng không quá cao. Trong khi đó, các loại rau Đà Lạt thì giá tăng cao do cước vận chuyển tăng theo giá xăng. Việc mua bán cũng gặp nhiều khó khăn từ việc tăng giá xăng; còn người mua thì cũng giảm bớt chi tiêu".

Trong khi đó, bà Ngô Kim Hạnh ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chia sẻ: "Xăng tăng kéo theo rất nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá. Đối với những hộ dân ở vùng nông thôn thì thường sẽ ít tốn chi phí hơn người ở thành phố. Như gia đình tôi có trồng rau, nuôi thêm cá, bầy vịt thì cũng đỡ phải ra ngoài mua thức ăn trong nhà".

Ông Nguyễn Hữu Ánh ngụ xã Tân Thành, TP.Cà Mau, cho hay: "Lợi thế của người sống ở vùng nông thôn là thường có đất đai rộng. Từ đó, hầu như nhà ai cũng trồng một ít rau, củ trong vườn để cải thiện bữa ăn. Trong thời điểm bảo giá thì đó lại là một lợi thế lớn, tiết kiệm được chi tiêu khá nhiều".

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết: "Việc giao thương đi lại ở vùng nông thôn thì ít hơn ở thành thị. Bên cạnh đó, người dân vùng nông thôn thường có thể tự sản xuất hàng hóa cung cấp cho gia đình nên cũng giảm được chi tiêu. Tuy nhiên, thu nhập của người dân nông thôn lại thấp, cho nên tác động cũng rất lớn".

"Giá xăng tăng cũng kéo theo vật tư nông nghiệp tăng cao. Trong khi đó, giá tôm, cua lại không tăng. Điều này khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn" - ông Lâm cho biết.

Ở một diễn biến khác, nhằm kịp thời chấn chỉnh, ổn định tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, TP.Cà Mau, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

"Thời gian tới, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phát hiện và xử lý kịp thới các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bàn hàng, tạo khan hiếm xăng dầu,…đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh" - Phó Giám Đốc Sở Công Thương Dương Vũ Nam cho biết thêm.

Thương hồ chợ nổi đối diện nhiều khó khăn

Liên quan đến giá xăng tăng thời gian qua, phóng viên Dân Việt đã đến tìm hiểu về đời sống của thương hồ ở chợ nổi Cái Răng, TP.Cần Thơ. Tại đây, đa số thương hồ cho biết, đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá xăng tăng.

Giá xăng tăng ở ĐBSCL: Người dân có thu nhập thấp chịu tác động lớn  - Ảnh 2.

Anh Phan Văn Long cho hay, giá tăng xăng cứ kéo dài như thế này thì ông gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Văn Sử cho biết, đã có trên 40 năm sống bằng nghề mua bán khóm tại chợ nổi Cái Răng nhưng chưa bao giờ gặp cảnh khó khăn như hiện nay.

"Sau thời gian dài phải nghỉ làm vì dịch Covid-19, khi mới đi làm lại thì giá xăng và giá dầu tăng. Hiện ghe của tôi đổ khoảng gần 2 triệu đồng vẫn chưa đầy bình để chạy trong khi vài năm trước chỉ tốn chưa tới 900.000 đồng. Trước đây, mỗi chuyến đi lấy hàng về bán lời khoảng 5 triệu đồng thì hiện nay sau khi trừ tiền xăng và chi phí nhân công chỉ còn 1 triệu đồng nếu mua bán thuận lợi" - ông Sử nói.

Bà Đặng Thị Sẵn thì cho biết, do giá xăng dầu tăng, việc mua bán dưa hấu của bà trên chợ nổi Cái Răng gần như không có lời.

Giá xăng tăng ở ĐBSCL: Người dân có thu nhập thấp chịu tác động lớn  - Ảnh 3.

Anh Lê Hoàng Nhất Long hy vọng giá xăng giảm để nâng cao thu nhập. Ảnh: CTV

"Cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nay càng khó khăn thêm khi giá xăng dầu tăng. Trước đây, mỗi khi nghe xăng dầu tăng, tôi đều mua về trữ trước vài trăm lít, nhưng hiện nay không có tiền mua trữ nữa, đi chuyến hàng nào thì chỉ mua đủ chuyến đó thôi" - bà Sẵn nói.

Theo lời bà Sẵn, nghịch lý là giá xăng, dầu tăng từng ngày nhưng giá trái cây vẫn giữ nguyên, thậm chí còn giảm xuống.

Cũng như ông Sử và bà Sẵn, ông Phan Văn Long cho hay, thời gian sau Tết đến nay, việc mua bán rất ế ẩm vì khách không có, tiền lời ít nếu có thì đắp vào tiền mua xăng hết.

"Có ngày tôi bán lời được 100.000 đồng thì tiền mua xăng đã gần 80.000 đồng rồi, còn cái gì mà ăn nữa. Phải làm cách nào để cho xăng xuống, chứ kéo dài như thế này tôi khó khăn lắm" – ông Long lắc đầu nói.

Không chỉ có thương hồ mua bán trái cây, nông sản, người dân sống bằng nghề chạy thuyền du lịch trên chợ nổi Cái Răng cũng "đau đầu" với giá xăng tăng. Theo anh Lê Hoàng Nhất Long, trước đây, mỗi lần anh đổ xăng tốn 520.000 đồng là đầy bình, còn bây giờ gần 800.000 đồng mới đầy. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng giá thì không biết phải làm sao sống.

"Giá khách đi thì vẫn vậy, còn giá xăng thì vẫn lên. Mong sao xăng dầu giảm xuống chứ tăng vậy người dân chúng tôi hết đường sống" - anh Long kể.

Theo Sở Công thương TP.Cần Thơ, việc giá xăng tăng là tình hình chung của cả nước. Để tình hình mua bán xăng dầu trên địa bàn thành phố ổn định, phía sở thường xuyên phối hợp các các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh của các cửa hàng xăng dầu cũng như nguồn xăng dầu dự trữ tại các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối.

Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho rằng, mặc dù nguồn cung vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn còn xảy ra thiếu hàng cục bộ nhưng nhìn chung tại các điểm kinh doanh vẫn nỗ lực để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Nguồn cung xăng dầu thời gian tới nhận định còn khó khăn, Sở sẽ tiếp tục theo dõi và đồng hành cùng doanh nghiệp để có những đề xuất, can thiệp kịp thời nhằm ổn định nguồn cung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem