Giá hàng hóa tăng mạnh đe dọa lợi nhuận doanh nghiệp, buộc chính phủ Trung Quốc "ra tay"
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 26/5 đã nhấn mạnh tại cuộc họp thường kỳ rằng Chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận các hỗ trợ tài chính để xoa dịu tác động từ đại dịch Covid-19 cũng như nhằm đối phó với hiện tượng gia tăng giá nguyên liệu thô.
Tuyên bố đánh dấu động thái mới nhất của Bắc Kinh khi giá hàng hóa toàn cầu tăng cao kỷ lục, khiến các nhà phân tích dự báo về những tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nếu các doanh nghiệp giữ nguyên giá bán đến tay người tiêu dùng để duy trì tính cạnh tranh, việc tăng giá hàng hóa nguyên liệu thô sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp lựa chọn tăng giá bán cho người tiêu dùng để duy trì tỷ suất lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh giá sẽ bị suy yếu.
Hôm 27/5, cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp đã chậm lại trong tháng 4, giảm từ mức 92,3% tháng trước xuống còn 57% trong tháng này so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù những con số này có thể không phản ánh chính xác những gì xảy ra trong nền kinh tế thực do nó so sánh với những tháng đầu năm ngoái, thời điểm Trung Quốc đóng cửa quốc gia để kiểm soát đại dịch, nhưng nó vẫn phản ánh phần nào tác động của hiện tượng tăng giá hàng hóa toàn cầu.
Một chỉ số khác, chi phí nguyên liệu thô được đo lường theo chỉ số giá sản xuất đã tăng 6,8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn 3 năm. Nhưng giá tiêu dùng chỉ tăng 0,9% do giá thịt lợn giảm.
Khoảng cách lớn giữa giá sản xuất và giá tiêu dùng đã làm giảm đáng kể lợi nhuận của các nhà sản xuất, khiến họ chỉ có thể duy trì hoạt động bình thường bằng cách giảm các chi phí khác - nhận định của ông Gu Shuangfei, nhà phân tích hàng hóa tại công ty môi giới Nanhua Futures có trụ sở tại Hàng Châu. Cũng theo ông Gu, chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể sẽ duy trì ổn định trong tương lai nhờ chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ cũng như mức thu nhập hộ gia đình được đảm bảo. Do đó, chính phủ Bắc Kinh có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào việc kiểm soát giá nguyên liệu thô để đảm bảo sự ổn định trong hoạt động kinh doanh.
Trong tỷ trọng nền kinh tế Trung Quốc, thực tế là các doanh nghiệp nhỏ do tư nhân điều hành đóng góp vào phần lớn tăng trưởng GDP và tăng trưởng việc làm trên thị trường lao động. Cuộc họp hôm 26/5 của Hội đồng Nhà nước ghi nhận có tổng cộng khoảng 139 triệu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong nền kinh tế tính đến hết tháng 4.
Các nhà chức trách đã nhiều lần tuyên bố áp lực việc làm trên thị trường lao động vẫn ở mức cao bất chấp đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch. Do đó, cuộc họp của Hội đồng Nhà nước trong tuần này nhấn mạnh mối ưu tiên của việc tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đối phó với hiện tượng giá hàng hóa tăng cao nhằm đảm bảo việc làm ổn định trong nền kinh tế.
Khi giá hàng hóa tăng và hoạt động kinh tế phục hồi, một số doanh nghiệp nhỏ đang tăng cường vay vốn. Sheng Ye Capital, một công ty fintech chuyên cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ đã báo cáo nhu cầu vay tăng rất mạnh do giá sản xuất tăng, trích lời nhà quản lý quan hệ đầu tư Sheng Ye Capital, ông Kenny Ng. Theo ông Kenny, nhu cầu vay vẫn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Phần lớn khách hàng tìm đến Sheng Ye Capital là những doanh nghiệp hoạt động trong các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng như cầu và đường thu phí. Tại Sheng Ye Capital, các khoản vay cho khách hàng mới có thể được xử lý nhanh nhất trong vòng hai tuần, với quy mô trung bình khoảng 2 triệu Nhân dân tệ, tương đương khoảng 312.000 USD.
Giá các mặt hàng nguyên liệu thô như đồng, quặng sắt đã tăng kỷ lục trong năm nay, với mức tăng hơn 20% kể từ đầu năm. Các nhà phân tích cho rằng phần lớn sự gia tăng là do kỳ vọng của các nhà đầu tư về nhu cầu ngày càng tăng đối với nguyên liệu thô khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi và các Ngân hàng Trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng.
Dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC tỏ ra thận trọng hơn trong việc cung cấp các hỗ trợ tiền tệ, nhưng quốc gia này là nước tiêu thụ đồng và nhiều nguyên liệu thô lớn nhất thế giới. Nhu cầu từ Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến giá cả toàn cầu. Trung Quốc cũng là nơi đặt nhiều sàn giao dịch lớn ảnh hưởng đến các giao dịch hàng hóa tương lai.