Giá heo hơi hôm nay 25/5: Đỉnh mới, nóng hầm hập

25/05/2020 06:32 GMT+7
Giá heo hơi hôm nay 25/5 vẫn tăng bất chấp. Tại miền Bắc, giá heo hơi một số địa phương đã lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc

Giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc tiếp tục lập đỉnh mới. Cụ thể, mức 100.000 đồng/kg chính thức bị phá vỡ khi giá heo hơi leo lên 105.000 đồng/kg tại Sơn La. Tại Hưng Yên, giá heo hơi hôm nay cũng giao dịch với mức 103.000 đồng/kg.

Trong khi đó, các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam giá heo hơi hôm nay đến tay các tiểu thương có giá 100.000 đồng/kg.

Tại Bắc Giang, Bắc Ninh giá heo hơi khoảng 10 ngày nay giao dịch với giá 98.000 đồng/kg.

Các địa phương khác giao dịch trong khoảng từ 96.000 - 97.000 đồng/kg. Hiện không có địa phương nào ở miền Bắc giá heo hơi được bán với giá thấp hơn 95.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay 25/5: Đỉnh mới, nóng hầm hập - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay vẫn tăng cao.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung cơ bản ổn định. Nhiều địa phương đang tiến sát mốc 100.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại Lâm Đồng và Khánh Hoà đạt 97.000 đồng/kg. Trong khi đó, Bình Thuận và Đắc Lắc heo hơi đang xuất chuồng ở ngưỡng 96.000 đồng/kg.

Các tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Thanh Hoá và Nghệ An giá heo hơi hôm nay đồng loạt đạt 95.000 đồng/kg.

Một số địa phương có giá heo hơi đạt 93.000 đồng/kg là Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, và Quãng Ngãi. Đây là mức giá thấp nhất ghi nhận được ở thị trường heo hơi miền Trung.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam

Có khoảng 10 địa phương tại miền Nam có giá heo hơi đạt 100.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại Vũng Tàu dao động quanh mức 99.000 - 100.000 đồng/kg.

Tại khu vực miên Tây, nhiều tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Tiền Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ giá heo hơi đạt 100.000 đồng/kg.

Các tỉnh còn lại, chủ yếu giá heo hơi được thương lái thu mua trong khoảng từ 96.000 - 97.000 đồng/kg, số ít ở giá 95.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn tăng, có sự trục lợi của thương lái

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc giá thịt lợn tăng quá cao trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt để bình ổn giá thịt lợn; bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng có các giải pháp tăng đàn, tái đàn lợn nhằm cân đối cung - cầu.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đoàn Quảng Trị) cho rằng, giá thịt lợn vận hành theo cơ chế thị trường với quy luật cung – cầu. Chúng ta đã chấp nhận cơ chế thị trường quan hệ cung - cầu, trừ khi chúng ta điều tra phát hiện có sự thao túng, có sự độc quyền.

"Tôi cho rằng, trong thời gian qua Bộ NN&PTNT đã triển khai rất quyết liệt biện pháp tái đàn, báo cáo Chính phủ về nguồn cung thịt lợn, để từ đó có những giải pháp phù hợp. Trước mắt là phải nhập khẩu thịt lợn để cân bằng nhu cầu trong nước. Thứ hai về giải pháp lâu dài trong thời gian qua là chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề tái đàn, đặc biệt là công nghệ sinh học nhân giống, thậm chí giống của chúng ta chưa làm được thì yêu cầu nhập khẩu giống. Có như vậy, chúng ta mới tái đàn nhanh để cung cấp cho thị trường" - ông Sinh nói.

Trong khi đó, đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn Hải Phòng cho rằng, giá thịt lợn tăng cao là do khâu thương mại nhiều nơi, nhiều chỗ chưa minh bạch, có sự trục lợi của thương lái.

Vì vậy, ông Khải cho rằng, cần phải đẩy mạnh các biện pháp quản lý thị trường làm sao tránh tình trạng “thổi giá”, “bơm giá” lên để trục lợi.

"Xét về nguồn cung thì ngành chăn nuôi và chính quyền địa phương, Bộ NNPTNT tạo điều kiện để tăng đàn. Vấn đề là làm sao để giá thành thịt lợn hơi giảm đi thì giá thịt lợn ngoài chợ cũng sẽ giảm xuống. Ở đây là biện pháp quản lý thị trường, Bộ Công Thương và các Sở Công Thương, chính quyền địa phương phải có sự kết hợp bởi giá thịt lợn tăng đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng" - ông Khải nói.

Đại biểu Nguyễn Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội nêu ý kiến chuỗi cung ứng phải theo quy luật.

"Giờ chúng ta bảo từ doanh nghiệp đi thẳng đến người dân cũng rất khó. Bất kỳ một loại sản phẩm nào cũng phải có một mạng lưới phân phối và phải qua khâu trung gian nhưng làm cách nào giám sát được các khâu trung gian đó càng ngắn thì lợi ích cho người dân sẽ càng nhiều" - bà Thủy nhấn mạnh.

A.Vũ
Cùng chuyên mục