Giá lúa "lập đỉnh" dù bị hạn mặn xâm lấn

16/03/2020 05:53 GMT+7
Trong khi các mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp khó vì dịch COVID-19, xuất khẩu gạo lại bất ngờ tăng mạnh, giá thu mua lúa gạo trong nước cũng tăng lên từng ngày. Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định, năm nay, Việt Nam có thể “soán ngôi” Thái Lan.

Do tác động của hạn mặn, năng suất cũng như chất lượng lúa của các tỉnh miền Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong những năm trước đây, với những ruộng lúa như thế này, có năn nỉ thương lái cũng không mua. Tuy nhiên, năm nay tình hình lại hoàn toàn khác. Tại Long An, thương lái không chỉ chủ động tìm đến tận ruộng đặt cọc sớm mà còn thu mua với giá cao 6.800 đồng/kg cho giống lúa RVT.

Giá lúa "lập đỉnh" dù bị hạn mặn xâm lấn - Ảnh 1.

Giá lúa gạo "lập đỉnh" trong vòng 3 năm

Còn các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg.

So với thời điểm cuối tháng 2, tất cả giống lúa đều tăng từ 300 - 400 đồng/kg, so với cùng kỳ giá lúa tăng mạnh từ 500 - 1.000 đồng/kg. Càng vào vụ thu hoạch rộ gần đây, giá lúa càng tăng. Sau một năm trầm lắng, hoạt động xuất khẩu gạo sôi nổi trong thời gian gần đây đã giúp giá thu mua lúa tươi tại ruộng lập đỉnh, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Với mức giá như hiện nay, thu nhập của người dân trong vụ lúa này sẽ tốt hơn và lượng lúa hàng hóa cho nông dân chắc chắn sẽ được tiêu thụ hết.

Tính đến thời điểm này, diễn biến thị trường lúa gạo hoàn toàn trái ngược với những gì các doanh nghiệp dự đoán mỗi khi vào vụ Đông Xuân. Thông thường, khi thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, giá lúa trên thị trường sẽ xuống thấp. Nguyên nhân là do lúc đó lượng lúa hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, nhưng hiện không có đủ gạo để cho doanh nghiệp mua.

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội XK (xuất khẩu) gạo Thái Lan Charoen Laothamatat cũng nhận định, năm nay, Việt Nam có thể “soán ngôi” Thái Lan về XK gạo trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng bath biến động và hạn hán đang đe dọa. Được biết, năm 2020, Hiệp hội XK gạo Thái Lan chỉ đặt mục tiêu XK 7 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Nhiều ý kiến còncho rằng, tham vọng lấy lại vị trí thứ hai trong bản đồ XK gạo thế giới của Việt Nam không phải không có cơ sở. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, năm 2020 XK gạo của Việt Nam có nhiều triển vọng do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Theo báo cáo tổng quan ngành hàng lúa gạo tháng 1/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo niên vụ 2019-2020 tại nhiều quốc gia sẽ giảm mạnh. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ sụt giảm sản lượng gạo lớn, dự kiến giảm 1,8 triệu tấn xuống còn 146,7 triệu tấn (Trung Quốc) và giảm 1,4 triệu tấn, xuống 115 triệu tấn (Ấn Độ) do diện tích giảm.

Đây là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu.

Giá lúa "lập đỉnh" dù bị hạn mặn xâm lấn - Ảnh 2.

Trong khi Thái Lan - nước XK gạo lớn thứ 2 thế giới - đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn, sản lượng gạo của nước này giảm gần 2 triệu tấn; Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam thì Việt Nam chỉ có khoảng 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Thế nên, nguồn cung gạo của Việt Nam rất dồi dào, chưa kể hai vụ lúa trước đó của nước ta đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh.


 

Mai Trang
Cùng chuyên mục