Giá nhích lên, xuất khẩu sắn Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, giá sắn lát khô nội địa hiện tại tăng do tồn kho vụ 2018 - 2019 ở mức thấp. Trong khi đó, giá chấp nhận mua mặt hàng này từ các nhà máy Trung Quốc rất thấp. Các đơn vị kinh doanh sắn lát khô chủ yếu tập trung bán cho các đơn vị trong nước.
Vượt khó, tăng xuất khẩu
Tuy nhiên, Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cho biết, chính sách thuế của Trung Quốc có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo đường biển. Vì thế, lượng hàng xuất bán từ các nhà máy khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu tập trung xuất khẩu chính ngạch.
Lâu nay, ngành sắn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ sự mất cân đối giữa hoạt động chế biến và vùng nguyên liệu, đặc biệt là việc Trung Quốc siết nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn.
Việc xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch khiến rủi ro thị trường lớn hơn, chính sách giá không được kiểm soát khiến sản phẩm sắn của Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc ép giá.
Ông Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng việc thay đổi chính sách xuất nhập khẩu theo hướng có lợi là tín hiệu tốt khi nguồn hàng xuất qua cửa khẩu biên mậu phía Bắc giảm hẳn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đat 1,74 triệu tấn, trị giá 678 triệu USD; giảm 4,7% về lượng và giảm 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, riêng tháng 9/2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 200.000 tấn, trị giá 80 triệu USD; tăng 10,7% về luợng và tăng 11,4% về trị giá so với tháng 8/2019.
Dự báo khởi sắc
Tại thị trường châu Á, Thái Lan vẫn là đối thủ xuất khẩu sắn của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, lũy kế 8 tháng đầu năm, nước này xuất khẩu được 2,06 triệu tấn sắn lát, trị giá 457,54 triệu USD; giảm 30,1% về lượng và giảm 32,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thông thường mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn sắn củ, trị giá khoảng 20 tỷ Baht từ Thái Lan. Tuy nhiên, trong năm 2018, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 3 triệu tấn sắn củ của Thái Lan. Hiện Thái Lan đang hối thúc Trung Quốc nối lại các hạn ngạch nhập khẩu 2,6 triệu tấn sắn lát và 80.000 tấn bột sắn với tổng trị giá 18 tỷ Baht.
Tại Hàn Quốc, cơ cấu thị trường cung cấp sắn lát và tinh bột sắn cho nước này trong 8 tháng đầu năm cũng có sự biến động so với cùng kỳ. Theo đó, thị phần sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam tăng từ 40,7% lên 44%. Trong khi thị phần của Thái Lan giảm từ 59,3% xuống còn 56%.
Theo các chuyên gia trong ngành, tuy còn không ít khó khăn nhưng xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc được dự báo sẽ có dấu hiệu khởi sắc.
Nguyên nhân do sắp vào mùa thu hoạch mới, nguồn cung trở nên dồi dào hơn dù sản lượng dự kiến sẽ sụt giảm so với niên vụ trước do sản lượng sắn tại Tây Nguyên bị ảnh hưởng do khô hạn và dịch bệnh. Trong khi đó, hạn hán và dịch bệnh đe dọa cũng làm giảm 20% sản lượng của Thái Lan trong niên vụ 2019 – 2020.
Tồn kho tại các doanh nghiệp của Trung Quốc gần như bằng không. Nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (45%) trong khi Trung Quốc thực hiện kế hoạch mở rộng sử dụng cồn ethanol, đạt 10 triệu tấn đến năm 2020, khiến nhu cầu nhập khẩu sắn tăng gấp đôi.