Giá nông sản hôm nay 9/9: Cà phê giảm nhẹ; tiêu tiếp đà đi lên trước thông tin nới lỏng giãn cách

09/09/2021 08:00 GMT+7
Giá nông sản hôm nay 9/9 ghi nhận, giá cà phê cả thị trường trong nước và thế giới đều có xu hướng đi xuống; mặt hàng đi tiêu vẫn tiếp đà đi lên.

Giá cà phê hôm nay: Trong nước và thế giới đều giảm

Giá cà phê hôm nay 9/9 trong khoảng 39.100 - 39.800 đồng/kg. Theo nhận định, giá cà phê tuần này còn tiếp tục điều chỉnh giảm trước khi có thể tăng trở lại.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.100 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 39.900 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 39.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 39.900 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.800 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.800 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm xu hướng giảm trung bình 300 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Giá nông sản hôm nay 9/9: Cà phê giảm nhẹ; tiêu tiếp đà đi lên trước thông tin nới nỏng giãn cách - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay 9/9 trong khoảng 39.100 - 39.800 đồng/kg. Theo nhận định, giá cà phê tuần này còn tiếp tục điều chỉnh giảm trước khi có thể tăng trở lại.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2021 được ghi nhận tại mức 2.078 USD/tấn sau khi giảm 1,14% (tương đương 24 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 tại New York đạt mức 190,2 US cent/pound, giảm 1,93% (tương đương 3,75 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).

Nhu cầu tiêu thụ cà phê của Anh tăng từ 70 triệu cốc mỗi ngày vào năm 2008, lên 95 triệu cốc mỗi ngày vào năm 2018, trong đó có 65% được tiêu thụ tại nhà, 25% tại nơi làm việc hoặc ở trường học, và 10% được uống tại các cửa hàng, quán bar và nhà hàng.

Về quy mô thị trường, tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở Anh tương đối thấp, ở mức 2,9 kg/người/ năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5,2 kg/người/năm của Liên minh châu Âu.

Nhập khẩu cà phê của Anh giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ phân khúc cà phê ngoài gia đình. Về dài hạn, nhập khẩu cà phê của Anh sẽ tăng trở lại.

Phân khúc cà phê cửa hàng được coi là một trong những lĩnh vực có khả năng phục hồi tốt nhất hậu COVID-19, với mức tăng trưởng bình quân dự kiến là 2,4% trong giai đoạn 2020 – 2024.

Hiện việc tiêu thụ cà phê tại nhà vẫn bị chi phối chủ yếu bởi việc bán cà phê hòa tan, cà phê vỏ và cà phê xay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ, những người ngày càng quan tâm đến cà phê chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, tính bền vững về môi trường và truy xuất nguồn gốc sẽ là những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng cà phê Anh. Do đó, để xuất khẩu cà phê sang Anh ổn định, ngành cà phê Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Giá tiêu hôm nay: Tiếp đà tăng nhẹ

Tại các địa phương, giá tiêu hôm nay tăng nhẹ, lên mức trung bình là 78.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận, thông tin tích cực từ việc các địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội để phát triển kinh tế đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu. Mặt khác, các thương lái tích cực thu mua tiêu xuất bán sang Trung Quốc, phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Quốc khánh của nước này đã đẩy giá tăng vọt vài ngày qua.

Theo ước tính, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt xấp xỉ 17 nghìn tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, trị giá 63,13 triệu USD, dựa trên báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Con số này giảm 35,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với tháng 7/2021; so với tháng 8/2020 giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng mạnh 45,8% về trị giá.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt trên 197 nghìn tấn, trị giá 654,6 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, giá tiêu Việt Nam xuất khẩu bình quân đạt 3.321 USD/ tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù nhu cầu hạt tiêu thế giới trong năm nay chỉ tăng nhẹ, nhưng giá xuất khẩu hạt tiêu tăng chủ yếu do nhu cầu từ thị trường nhập khẩu.

Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường chính có xu hướng chậm lại hoặc giảm mạnh. Hiện lượng hạt tiêu còn lại trong dân không nhiều, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy mặn mà do giá cước phí vận chuyển tăng “phi mã” và các biện pháp phòng chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt.

Năm 2020 biến đổi khí hậu diễn biến khá cực đoan khiến sản lượng tiêu của các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Brazil giảm mạnh, không đáp ứng được nhu cầu thị trường dẫn đến sản lượng hạt tiêu trong năm 2021 có xu hướng giảm nhiều. Nguồn cung sụt giảm đã tác động lên giá hạt tiêu xuất khẩu.

Hiện cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam có sự thay đổi khá lớn. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua sơ chế hoặc chế biến chuyên sâu.

Ngoài ra, ngành hạt tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhằm phục vụ cho ngành sản xuất mỹ phẩm. Do vậy, giá trị hồ tiêu Việt Nam được nâng cao hơn.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm trong tháng 8/2021. Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong thời gian tới.


PV
Cùng chuyên mục