Giá phân bón có thể đạt đỉnh trong tháng 3, cổ phiếu ngành này sẽ rất hot?

25/03/2022 07:45 GMT+7
Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng giá ure có thể đạt đỉnh trong tháng 3. Theo đó, cổ phiếu ngành phân bón sẽ có mức tăng trưởng tốt.

Giá ure sẽ đạt đỉnh trong tháng 3, Nga khuyến nghị ngừng xuất khẩu phân bón

SSI Research cho rằng, việc nối lại giao thương giữa Nga và các nước châu Âu sẽ mất nhiều thời gian sau khi xung đột giữa Nga-Ukraine hạ nhiệt. Do đó, giá ure có thể đạt đỉnh trong tháng 3 và tạo ra cơ hội đầu tư trong ngắn hạn.

Nga khuyến nghị các doanh nghiệp ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp này trong bối cảnh các công ty vận tải biển ngừng tiếp nhận hàng hóa từ Nga.  Hiện nước này chiếm khoảng 16% tổng xuất khẩu ure trên toàn thế giới.

Nga đe dọa cắt khí thông qua đường ống Nord Stream 1 làm tăng nỗi lo thiếu khí và đẩy giá ure tăng mạnh. Giá bán ure có khả năng tăng mạnh hơn đà tăng của giá khí đầu vào trong bối cảnh Trung Quốc chưa khôi phục sản xuất ure do thiếu than và giá than cao.

Trung Quốc đang gặp khó khăn về nguồn cung than. Sau khi ngừng nhập than từ Australia, Nga trở thành nước cung cấp than lớn thứ 2 cho Trung Quốc sau Indonesia. 

Việc Nga không còn nằm trong hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT làm gián đoạn nhập khẩu, do đó làm giảm nguồn cung than tại Trung Quốc và đẩy giá ure tăng cao trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, SSI Research cũng lưu ý rằng giá ure có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục. 

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể can thiệp vào công tác điều hành giá phân bón trong bối cảnh giá gạo thấp và tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.

Giá phân bón có thể đạt đỉnh trong tháng 3, cổ phiếu ngành này sẽ rất hot? - Ảnh 1.

Xuất khẩu phân bón 2 tháng tăng mạnh

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022 cả nước xuất khẩu 128.069 tấn phân bón, tương đương 71,31 triệu USD, giá trung bình 556,8 USD/tấn, giảm mạnh 43,4% về lượng, giảm 58,5% về kim ngạch và giảm 26,7% về giá so với tháng 1/2022. So với tháng 2/2021 thì tăng mạnh 58,3% về lượng, tăng 181,8% kim ngạch và tăng 78% về giá.

Trong tháng 2/2022 xuất khẩu phân bón sang thị trường chủ đạo Campuchia giảm mạnh 51% cả về lượng và kim ngạch và giảm 1,1% về giá so với tháng 1/2022, đạt 17.581 tấn, tương đương 8,39 triệu USD, giá 477,4 USD/tấn; So với tháng 2/2021 cũng giảm 39,3% về lượng và giảm 8,9% kim ngạch nhưng tăng mạnh 50% về giá.

Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cũng giảm mạnh 78,8% về lượng, giảm 79,7% kim ngạch và giảm 4% về giá, đạt 3.724 tấn, tương đương 2,83 triệu USD, giá 760,9 USD/tấn; nhưng so với tháng 2/2021 cũng giảm mạnh 44% về lượng, nhưng tăng mạnh 44% kim ngạch và tăng 159% về giá.

Giá phân bón có thể đạt đỉnh trong tháng 3, cổ phiếu ngành này sẽ rất hot? - Ảnh 2.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu phân bón sang đa số các thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 352.672 tấn (tăng mạnh 69,9% so với 2 tháng đầu năm 2021), thu về gần 241,68 triệu USD (tăng 280,6%), giá trung bình đạt 685,3 USD/tấn (tăng 124%). Campuchia vẫn đứng đầu về tiêu thụ phân bón của Việt Nam, đạt 53.133 tấn, tương đương trên 25,55 triệu USD, giá trung bình 480,9 USD/tấn, giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 35,5% về kim ngạch và tăng 54,8% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021; chiếm 15% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch phân bón xuất khẩu của cả nước.

Hàn Quốc đứng thứ 2 với 20.994 tấn, tương đương 16,53 triệu USD, giá trung bình 787,2 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng tương ứng 111,5%, 435,9% và 153,4%; chiếm trên 6% trong tổng lượng và chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch.

Thị trường Myanmar đứng thứ 3 đạt 11.090 tấn, tương đương 7,51 triệu USD, giá 677,5 USD/tấn, tăng 491,5% về lượng, tăng 1.071% kim ngạch và tăng 98,2% về giá so với cùng kỳ, chiếm trên 3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Nhìn chung, trong 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu phân bón sang đa số các thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Cổ phiếu ngành phân bón sinh lời cao?

Công ty Chứng khoán KIS cho rằng, với nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm và thế giới tăng cao, các doanh nghiệp có thể tận dụng một phần công suất thừa trong giai đoạn này để tăng cường xuất khẩu, khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp được mở rộng nhờ vào giá xuất khẩu ở mức cao.

Đơn cử như với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP (DPM), tăng cường doanh số bán hàng từ xuất khẩu có thể khiến doanh thu bùng nổ trong quý I/2022. 

Theo thông tin của Công ty Chứng khoán Mirae, 2 tháng đầu năm 2022, DPM đạt lợi nhuận trước thuế 1.422 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 10 lần so với cùng kỳ.

Kết quả này nhờ sản lượng tiêu thụ duy trì mức khả quan, đạt gần 190.000 tấn. Cùng với đó, nhu cầu cao nên DPM hoạt động xuyên Tết và hiện nguồn hàng kinh doanh đủ dùng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Năm 2022, mặc dù DPM chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng hiện đã xuất khẩu được 80.000 tấn trong 2 tháng đầu năm. Ngoài ra, công ty kỳ vọng tiếp tục gia tăng sản lượng xuất khẩu trong các quý tiếp theo nếu nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng bởi giá phân bón cao.

Còn SSI Research ước tính lợi nhuận cho DCM lên 2.684 tỷ đồng (+40% YoY) và DPM lên 3.976 tỷ đồng (+25% YoY) năm 2022.

Giá mục tiêu cho cổ phiếu DCM là 51.800 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng mức sinh lời là 22,2% (trong đó 5,6% tỷ suất cổ tức).

Giá mục tiêu cho cổ phiếu của DPM là 71.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng mức sinh lời là 13,1% (trong đó 5,3% tỷ suất cổ tức).



Ong Lý
Cùng chuyên mục