Giá phân bón tăng gây sức ép cho nông dân Anh

11/03/2022 07:38 GMT+7
Giá phân bón đang tăng lên mức 1.000 bảng Anh/tấn, tăng so với mức khoảng 650 bảng Anh/tấn trong tuần trước, liên quan đến sự tăng vọt của giá khí đốt.
Giá phân bón tăng gây sức ép cho nông dân Anh - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng do căng thẳng Nga-Ukraine gây sức ép cho nông dân Anh. Ảnh: Financial Times

Các nhà sản xuất thực phẩm của Vương quốc Anh đang phải đối mặt với giá phân bón, thức ăn chăn nuôi và khí CO2, được sử dụng trong đóng gói và giết mổ gia súc, tăng cao do tình hình căng thẳng tại Ukraine làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu từ Nga và làm tăng chi phí sản xuất.

Giá phân bón đang tăng lên mức 1.000 bảng Anh/tấn (1.311 USD/tấn), tăng so với mức khoảng 650 bảng Anh/tấn trong tuần trước, liên quan đến sự tăng vọt của giá khí đốt, yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất, và nông dân quan ngại mua vào vì lo ngại giá sẽ tăng hơn nữa trong những tuần tới.

Hiệp hội Nông dân quốc gia Anh (NFU) cho biết giá phân đạm đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2021.

Những người nông dân cho biết họ có thể ứng phó với việc giá tăng bằng cách giảm mua phân bón cho cây trồng trong niên vụ này, song sản lượng có khả năng sẽ thấp hơn vào thời điểm mà nguồn cung từ Ukraine có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng với Nga. Ukraine trước đây cung cấp khoảng 12% lượng lúa mì cho thế giới.

Matt Culley, một nông dân trồng lúa mì và hạt có dầu ở Hampshire, người đứng đầu NFU, cho biết giá phân bón ngày càng tăng đã gây thêm áp lực cho người nông dân do chi phí lao động, nhiên liệu và thức ăn chăn nuôi gia tăng. Ông nói rằng người nông dân đang phải hứng chịu lạm phát nông nghiệp.

Bên cạnh đó, giá phân bón tăng cũng khiến người nông dân phải đối mặt với rủi ro lớn hơn vì phải chi nhiều tiền hơn để ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng như thời tiết xấu hoặc nhu cầu giảm mà không có giá đảm bảo cho cây trồng.

Mặc dù Anh tự sản xuất khoảng 40% lượng phân bón, song có những lo ngại rằng các nhà máy này có thể ngừng hoạt động do giá khí đốt tăng cao. Điều này cũng sẽ gây hạn chế đối với việc sản xuất CO2, được thải ra như một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất.

Yara, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, hoạt động tại 50 quốc gia bao gồm cả Anh, cho biết công ty đang đưa ra các đánh giá mỗi ngày về cách duy trì nguồn cung và còn quá sớm để nói liệu có ngừng hoạt động hay không.

Trong khi đó, Nga là nhà xuất khẩu phân bón tổng hợp lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 20% lượng urê, một loại phân bón quan trọng được sử dụng ở Anh. Nước này đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu và nguồn cung cũng đang bị sụt giảm do các tàu tránh cảng của Nga, trong khi các công ty bảo hiểm sẽ không chi trả phí bảo hiểm hàng hóa do lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận thương mại.

Một thương vụ đang gây chú ý đó là EuroChem, một tập đoàn do tỷ phú người Nga Andrei Melnichenko kiểm soát, đang đề xuất 455 triệu euro để mua doanh nghiệp phân bón nitơ Borealis của Áo.

Hai bên đã đạt được thỏa thuận vào tháng trước và đang chờ phê duyệt theo quy định. Thỏa thuận này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động sang châu Âu của EuroChem, công ty sản xuất phân bón lớn ở Nga, mặc dù có trụ sở chính tại Thụy Sỹ.

Theo Bnews
Cùng chuyên mục