Giá phân bón tăng cao kỷ lục, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

26/03/2022 07:46 GMT+7
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung do xung đột Nga – Ukraine, cùng một loạt yếu tố tồn tại trước đó, khiến giá phân bón lên cao kỷ lục. Điều này gây ra lo ngại về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.

Lạm phát tăng cao do giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt

Giá các nguyên liệu thô để sản xuất phân bón gồm amoniac, nitơ, nitrat, photpho, kali và sunfat, đều tăng 30% kể từ đầu năm 2022 đến nay và hiện vượt mức đỉnh được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng năm 2008, theo Công ty tư vấn hàng hoá CRU.

Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Nga và Ukraine là hai trong những nước sản xuất nông sản quan trọng nhất thế giới. Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu phân đạm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lớn thứ 2 về phân bón kali và phân lân.

Ông Chris Lawson - Giám đốc mảng phân bón tại CRU, cho hay, thương mại giữa Nga và phần còn lại của thế giới vẫn tiếp diễn, song đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi các nhà nhập khẩu và các hãng tàu xa lánh Nga sau chiến sự tại Ukraine.

Giá phân bón tăng cao kỷ lục, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng cao kỷ lục, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Việc Nga, quốc gia chiếm khoảng 14% xuất khẩu phân bón toàn cầu, tạm ngừng xuất khẩu phân bón được cho là sẽ có tác động rất lớn trên thị trường lương thực toàn cầu.

“Hơn nữa, khí đốt là nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân bón. Giá khí đốt cao dẫn đến việc phải cắt giảm sản lượng ở các khu vực như châu Âu, khiến nguồn cung phân bón đã hạn chế càng thêm khan hiếm”, ông Lawson nói.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt nhằm vào đồng minh của Nga là Belarus cũng có tác động đáng kể đối với thị trường phân kali, bởi Nga và Belarus chiếm tổng cộng 40% lượng giao dịch phân kali trên toàn cầu hàng năm.

Lawson giải thích: "Kể từ đầu năm 2020, giá phân đạm đã tăng gấp 4 lần, trong khi giá phân lân và kali tăng gấp 3 lần. Trong khi nông dân ở các thị trường phát triển được hưởng lợi từ giá hàng hóa nông sản cao, giúp bù đắp một phần giá đầu vào cao, thì nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng do giá cao và thiếu hụt nguồn cung."

Các nền kinh tế trên khắp thế giới đã và đang đối phó với tình trạng lạm phát cao trong lịch sử, phần lớn là do giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt. Chỉ số Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc cho thấy giá lương thực đang ở mức cao nhất mọi thời đại và Lawson cho rằng tình trạng thiếu phân bón kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất canh tác dài hạn.

"Với tình trạng thị trường ngũ cốc và dầu hạt eo hẹp và tầm quan trọng của 2 thị trường Nga và Ukraine, lạm phát giá lương thực đang là rủi ro ngày càng rõ rệt", ông cho biết thêm.

Trước mối đe dọa nguồn cung sụt giảm từ Nga và Belarus, giá phân bón đã phải đối mặt với áp lực tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Trung Quốc cấm xuất khẩu và cuộc đình công đướng ắt ở Canada.

"Hậu quả nặng nề hơn"

Trong khi phần lớn trọng tâm của các cuộc thảo luận xung quanh việc giá tăng đột biến sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bị chi phối bởi năng lượng, thì cú sốc nguồn cung đối với phân bón, lúa mì và các loại ngũ cốc khác sẽ khiến vấn đề thêm phức tạp.

Trong một báo cáo nghiên cứu hồi đầu tháng 3, giám đốc phụ trách thị trường Vương quốc Anh của Barclays kiêm chuyên gia kinh tế cấp cao ở châu Âu, Fabrice Montagné, và trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Christian Keller, cho rằng quy mô và cường độ của cú sốc nguồn cung này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn những đợt tăng giá hàng hóa trước đó.

“Sản xuất lương thực và phân bón là hoạt động cần nhiều năng lượng do cơ giới hóa, công nghiệp hóa và giao thông vận tải, nhưng chúng cũng cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác về nguyên liệu đầu vào. Ví dụ, sản xuất pin lithium-ion cần có các hóa chất được sử dụng trong sản xuất phân bón P.  Cuối cùng, những khó khăn trong hoạt động vận tải biển và giao thông, quan trọng lớn là tác động của các lệnh trừng phạt Nga lên nguồn cung toàn cầu, sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng giống như khủng hoảng lương thực năm 2008”, hai vị chuyên gia cho biết.

Giá lương thực trên toàn cầu tăng nhanh trong năm 2007 và trong quý I/2008 đã gây ra bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội ở cả các nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi.

Về tác động, theo Barclays, sẽ xảy ra không đồng đều ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Song điều đó không có nghĩa các nền kinh tế phát triển và nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng. Các lệnh trừng phạt của Nga và phương Tây chắc chắn sẽ làm giảm nguồn cung năng lượng, ngũ cốc và phân bón.

Trong một lưu ý cuối tuần trước, ông John LaForge - Giám đốc mảng bất động sản toàn cầu của Wells Fargo và Chiến lược gia toàn cầu Gary Schlossberg - cho biết với sức nặng của nguồn cung từ Nga, các quốc gia khác sẽ chỉ có thể lấp đầy "một phần" khoảng trống nguồn cung toàn cầu.

Wells Fargo dự báo tác động đối với lương thực sẽ diễn ra trên toàn cầu, đặc biệt đối với một số quốc gia mới nổi, vấn đề sẽ trở nên rắc rối. "Nhìn chung, các cuộc chiến tranh hàng hóa hiện nay sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn và dai dẳng hơn trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ", Wells Fargo cho biết.

Tuy nhiên, theo ngân hàng Mỹ, nền kinh tế Mỹ khó xảy ra suy thoái bởi khối lượng thương mại với Nga thấp khiến Mỹ có vị thế kinh tế tương đối mạnh hơn.


Nhị Hà (Theo CNBC)
Cùng chuyên mục