Giá trị trái phiếu chậm trả nợ lên hơn hơn 113 nghìn tỷ đồng, ngành BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại?

20/04/2023 06:40 GMT+7
Hơn 113 nghìn tỷ đồng là số tiền mà tổ chức phát hành đang chậm trả nợ trái phiếu đến hạn. Con số thống kê mới nhất của Fiin Ratings khiến không ít người phải giật mình.

Theo thống kê của Fiin Ratings, thị trường TPDN tháng 3 ghi nhận sự đảo chiều trong hoạt động phát hành với tổng cộng 13 lô trái phiếu với tổng trị giá đạt gần 18 nghìn tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là sự trở lại của các nhà phát hành bất động sản khi có tới 6 lô phát hành từ 5 nhà phát triển bất động sản, giá trị đạt 23,7 nghìn tỷ đồng. 

Bên cạnh 12 lô TPDN riêng lẻ, có 1 lô trái phiếu phát hành công chúng từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan với giá trị 2 nghìn tỷ đồng. Tính từ đầu năm, doanh nghiệp này đã phát hành tổng cộng 3 lô trái phiếu ra công chúng với tổng trị giá 3,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, giá trị phát hành riêng lẻ trong tháng 3 đã tăng gấp 3 lần so với tháng trước và tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù mức tăng theo tháng phản ánh hiệu ứng nền thấp, tốc độ tăng cùng kỳ cho thấy tín hiệu đảo chiều và gia tăng trở lại trong hoạt động phát hành.

Giá trị trái phiếu chậm trả nợ lên hơn hơn 113 nghìn tỷ đồng, ngành BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại? - Ảnh 1.

Hoạt động mua lại trước hạn tăng mạnh

Quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn trong tháng 3 đạt gần 18 nghìn tỷ VNĐ, tăng 3 lần so với tháng trước và tăng gần 2,08 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, hoạt động mua lại trong tháng này chủ yếu đến từ các công ty con của MIK Group, bao gồm các công ty Hakuba, Akata, Yamagata và Azura với giá trị 7,79 nghìn tỷ, chiếm 43,3% tổng khối lượng mua lại trong tháng.

Mặc dù hoạt động mua lại tiếp tục tăng, tuy nhiên đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2022 quy mô mua lại thấp hơn quy mô phát hành, đánh dấu lần đầu tiên sau 5 tháng giá trị thị trường TPDN Việt Nam gia tăng kể từ thời điểm sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành. Đây là tín hiệu tốt bước đầu cho vấn đề thanh khoản của các doanh nghiệp phát hành.

Giá trị trái phiếu chậm trả nợ lên hơn hơn 113 nghìn tỷ đồng, ngành BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại? - Ảnh 2.

Fiin Ratings cho rằng các động thái giảm lãi suất điều hành, Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, và gần đây nhất là việc lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland và DIC Corp đang đem lại tác động tích cực tới thị trường nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Đây cũng là tiền đề để thị trường TPDN dần khôi phục trở lại bởi yếu tố pháp lý là rủi ro lớn nhất trên thị trường tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu dự báo tiếp tục đà tăng trong Q2-Q3/2023 

Doanh thu và lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản đã chậm lại từ Q1-2022. Trong quý gần nhất, doanh thu giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ. Môi trường kinh doanh bất lợi khiến cho tốc độ bán hàng các dự án bị chậm lại.

Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn lớn

Tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn 9 tháng còn lại của năm 2023 được ước tính ở mức 220,77 nghìn tỷ VNĐ, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 93,2 nghìn tỷ VNĐ. Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36,2 nghìn tỷ VNĐ vào quý 2 và 35,4 nghìn tỷ VNĐ vào quý 3.

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lượng hàng tồn kho lớn đến từ các dự án đang xây dựng dở dang, số ngày tồn kho tăng gấp đôi từ khoảng 1.000-1.200 ngày (khoảng 3 năm) trước năm 2020 lên 2.484 ngày (gần 6 năm) vào cuối năm 2022. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp nhiều lần trong năm qua cũng khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chỉ bằng 64,9% năm ngoái.

Tình hình thanh khoản ở 2 thị trường lớn đảo chiều từ 2Q2022 khiến lượng giao dịch căn hộ bán tại 4Q2022 giảm 82,3% (TP.HCM) so với đỉnh, trong khi thị trường Hà Nội giảm nhẹ so với quý trước. Khả năng hấp thụ bị ảnh hưởng không chỉ do mặt bằng lãi suất mua nhà neo cao, mà còn do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là phân khúc bình dân giá rẻ. Cơ cấu sản phẩm chủ yếu là phân khúc cao cấp (chiếm trên 70% nguồn cung) cho thấy rủi ro tập trung của ngành BĐS. 

Fiin Ratings cho rằng thị trường BĐS nhà ở tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023 làm kéo dài giai đoạn kinh doanh khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, cũng như làm suy giảm khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ định kỳ sắp tới.

Giá trị trái phiếu chậm trả nợ lên hơn hơn 113 nghìn tỷ đồng, ngành BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại? - Ảnh 4.

Số liệu của 50 doanh nghiệp BĐS niêm yết cho thấy tình hình tài chính chung có dấu hiệu giảm sút. Chỉ số Nợ vay/EBITDA đã tăng 1,53 lần, trong khi khả năng chi trả lãi vay cho thấy sự tương quan nghịch và giảm 1,78 lần so với năm 2021. Việc thị trường BĐS đóng băng, các biện pháp kiểm soát dòng tín dụng và tình trạng nhiều dự án vướng mắc pháp lý, các doanh nghiệp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không ổn định/âm trong 3 năm trở lại đây vẫn đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản trong thời gian tới. Rủi ro chéo cũng hiện diện đối với các doanh nghiệp có công ty mẹ gặp khó khăn thanh khoản.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu dự báo tiếp tục đà tăng trong Q2-Q3/2023 khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ đáo hạn sẽ đáo hạn trong năm 2023 này (với giá trị nêu trên) trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Tính đến ngày 17/4, thị trường đã ghi nhận 89 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với tổng giá trị là 113,14 nghìn tỷ VND, tăng 19,8% so với lần cập nhật gần nhất trước đây 1 tháng. Giá trị trái phiếu chậm trả chủ yếu đến từ các lô TPDN được tái cơ cấu kỳ hạn, tăng 2,12 lần sau 1 tháng và đạt 11,45 nghìn tỷ VND.


O.L
Cùng chuyên mục