Giá vàng biến động "chưa từng có" giữa "cơn địa chấn" thuế quan: Chuyên gia phân tích sức mạnh trú ẩn
Giá vàng đã tăng từ 2.500 USD/ounce lên 3.000 USD/ounce chỉ trong vòng 210 ngày - nhanh hơn nhiều so với các lần tăng giá trước đây. Thậm chí, trong tuần qua giá vàng đã có pha bứt tốc lên 3.149 USD, khi "cơn địa chấn" thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump càn quét thị trường, gây ra những biến động chưa từng có trên các thị trường tài sản.
Tuy nhiên, vào giữa ngày thứ Sáu, giá vàng lại hứng chịu cú sập không phanh xuống 3.015,65 USD/ounce - thấp nhất tuần, đúng thời điểm Chủ tịch Fed Jerome Powell dập tắt kỳ vọng về một chính sách hỗ trợ mới. Dù vậy, giá vàng hôm nay vẫn trụ vững trên mốc 3.000 USD/ounce. Điều này, theo ông John Reade, Giám đốc Chiến lược Thị trường của WGC, cho thấy giá vàng đã tích lũy được đà tăng mạnh mẽ trong suốt hai năm qua.

Giá vàng tuần qua chứng kiến biến động "chưa từng có". (Ảnh AI khởi tạo)
Theo vị chuyên gia này, giá vàng chạm mốc 3.000 USD đánh dấu một mốc quan trọng và góp phần củng cố vị thế của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn trong những thời điểm bất ổn. Từ mốc 1.000 USD/ounce trong cuộc khủng hoảng tài chính tăng lên mốc 2.000 USD/ounce trong thời đại dịch, vàng đã được chứng minh mang lại hiệu suất tốt trong những thời điểm mà nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro và mang lại lợi nhuận tương đương với hầu hết các loại tài sản khác kể từ năm 1971.
Kể từ năm 2022, vàng đã phá vỡ mối quan hệ mật thiết với lãi suất tại Mỹ và đồng đô la Mỹ khi các Ngân hàng Trung ương tăng gấp đôi lượng vàng mua vào và nhu cầu đầu tư vàng tại các thị trường mới nổi tăng vọt.
Ông nhấn mạnh rằng, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng trong suốt 15 năm qua, tuy nhiên trong 3 năm gần đây, các tổ chức này đã gia tăng hoạt động mua vàng với lượng mua vào mỗi năm đạt hơn 1.000 tấn kể từ năm 2022, và đạt mức 1.045 tấn trong năm 2024.
Các ngân hàng trung ương đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá vàng tăng. Việc các ngân hàng trung ương liên tục mua vào cho thấy vàng có tầm quan trọng trong chiến lược dự trữ chính thức của các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng. Điều này không chỉ thúc đẩy giá vàng tăng mà còn cho thấy sự tin tưởng vào giá trị lâu dài của vàng.
Đề cập tới những căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu tác động thế nào tới giá vàng, Giám đốc Chiến lược Thị trường của WGC cho rằng, trong các giai đoạn bất ổn trên phạm vi quốc tế, các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến vàng như một loại tài sản lưu trữ có giá trị ổn định. Tình hình địa chính trị hiện nay đã làm tăng xu hướng tích trữ vàng và góp phần vào việc đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục.
Các yếu tố địa chính trị bao gồm việc phi đô la hóa, các lệnh trừng phạt kinh tế và những lo ngại về lạm phát đã thúc đẩy hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh sự phân mảnh kinh tế toàn cầu tiếp diễn, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đóng vai trò như một động lực chính của nhu cầu thị trường vàng và định hình cách thị trường vàng vận hành và phát triển trong dài hạn.
Nhưng ông cũng lưu ý, mặc dù các rủi ro gia tăng và sự bất ổn đã thúc đẩy tâm lý tích cực đối với vàng, nhưng để giá vàng duy trì ở mức cao một cách ổn định, cần có sự gia tăng nhu cầu đầu tư. Điều này có thể đạt được thông qua việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cường mua vàng hoặc sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư phương Tây.
“Giá vàng có thể duy trì ở mức cao lịch sử này hay không thì chúng ta vẫn phải chờ xem. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là vai trò của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết”, ông nói.
Khảo sát từ Kitco cho thấy 50% chuyên gia Phố Wall nghiêng về khả năng vàng tiếp tục giảm giá trong tuần tới, trong khi chỉ 31% giữ quan điểm tăng. Trên thị trường bán lẻ, niềm tin vẫn còn, nhưng cũng đã có sự suy giảm nhất định.
Phân tích kỹ thuật cho thấy mức hỗ trợ tâm lý 3.000 USD đang bị thử thách, và nếu không giữ vững, ngưỡng 2.900 USD có thể là điểm tiếp theo. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc liệu thị trường chứng khoán có ổn định hay không và phản ứng tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Trong bối cảnh tiền đang chảy vào tài sản an toàn như tiền mặt, và giới đầu tư đứng ngoài quan sát, vàng đang ở ngã ba đường. Đây là lúc những nhà đầu tư thực sự am hiểu cần kiên nhẫn – không chỉ để bắt đáy, mà còn để chờ đợi một tín hiệu rõ ràng hơn từ các thị trường vĩ mô.