Giá xăng cao kỷ lục, rủi ro lạm phát đã hiển hiện

Thanh Phong Thứ ba, ngày 22/02/2022 17:54 PM (GMT+7)
Trước tình trạng giá xăng liên tục “leo thang” từ đầu năm 2022, theo nhận định của giới chuyên gia, nếu không có biện pháp xử lý, tình trạng lạm phát sẽ diễn ra.
Bình luận 0

Trong kỳ điều chỉnh ngày 21/2 vừa qua, giá xăng E5RON92 đã đạt mức 25.532 đồng/lít (tăng 961 đồng/lít). Trong khi đó, giá xăng RON95-III không cao hơn 26.287 đồng/lít (tăng 965 đồng/lít).

Với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhiều khả năng, đà tăng giá xăng dầu vẫn chưa dừng lại. Do đó, các chuyên gia nhận định, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp kìm hãm nguy cơ lạm phát trong năm 2022.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê nhận định, sức ép lạm phát từ đầu năm đến nay là rất lớn. Nguyên nhân là do, xăng dầu chiếm 3,52% trong chi phí sản xuất.

"Phần lớn các ngành đều sử dụng xăng dầu, hai điều này khiến giá sản phẩm sản xuất tăng, cộng thêm nguyên vật liệu ta nhập khẩu vào chiếm 50% trong nguyên vật liệu sản xuất. Giá xăng dầu thế giới tăng thì nguyên vật liệu nhập khẩu cũng tăng, làm chi phí sản xuất tăng và giá thành sản phẩm tăng", ông Lâm phân tích.

Giá xăng cao kỷ lục, rủi ro lạm phát đã hiển hiện - Ảnh 1.

Giá xăng cao có thể khiến nguy cơ lạm phát xuất hiện ngay trong quý I/2022. (Ảnh: Thanh Phong)

Về tiêu dùng, vị chuyên gia cho rằng, chi phí cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng chi phí tiêu dùng của hộ gia đình, cho nên là khi giá xăng dầu tăng thì người dân phải cơ cấu lại chi tiêu.

"Giảm tăng trưởng thì lạm phát cũng sẽ tăng. Còn về dự báo thì gần nhất có công ty chứng khoán của BIDV dự báo nếu giá dầu thô khoảng 80 USD/ thùng, bình quân năm nay thì lạm phát khoảng 4%. Nếu cao hơn, khoảng hơn 100 USD/ thùng thì lạm phát lên 5,1%.

Thế nên mục tiêu lạm phát năm nay trong bối cảnh dầu thô tăng cao thì rất khó kiểm soát. Dù Chính phủ có dùng giải pháp gì đi chăng nữa thì các ngành kinh tế vẫn phải sử dụng xăng dầu và đi theo giá xăng dầu thế giới", TS. Lâm nêu nhận định.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, khi xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,5%. Đây là mức giảm GDP khá lớn, có thể làm vô hiệu hóa chính sách giảm 2% thuế VAT.

"Bên cạnh đó, tác động của giá xăng dầu với các ngành hàng khác rất mạnh mẽ. Nếu giá dầu lên trên 100 USD/thùng, giá xăng trong nước có thể lên tới 27.000 – 29.000 đồng/lít", ông Phú dự báo.

Theo đó, để kiểm soát giá xăng, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cần tác động tới vấn đề thuế phí đang quá cao và bất hợp lý. Cụ thể, tổng số phí thuế chiếm hơn 40% trên giá xăng, trong đó, riêng phí môi trường là 3.800 đồng.

Do đó, chỉ cần giảm bớt thuế phí để giá xăng về lại khoảng 21.000 – 22.000 đồng/lít, nền kinh tế có thể "tạm thời chịu đựng". Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là tăng cường dự trữ, không thể trông chờ vào quỹ bình ổn như hiện tại.

"Xăng dầu là "nút thắt" cho tình trạng lạm phát, hiện tại, các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau tìm giải pháp cho từng kịch bản. Nếu không giải quyết ngay, cú sốc giá xăng dầu sẽ "đáp" trực tiếp vào quý I", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Giá xăng cao kỷ lục, rủi ro lạm phát đã hiển hiện - Ảnh 2.

Giá xăng đã tăng liên tục từ đầu năm 2022 (Ảnh: Thanh Phong)

Nhận định thêm về vấn đề trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng, giá xăng dầu trong nước tăng dựa trên những biến động của thế giới. Vấn đề là cần kiểm soát việc "tăng như thế nào"?

"Giá xăng dầu lên thì chúng ta cũng phải "thả" cho nó lên. Tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng mức giá dầu trong khoảng 80-90 USD là hợp lý, các nước cung cấp và nhập khẩu dầu đều chấp nhận được. Cuối năm 2021, khi ta bắt đầu mở cửa kinh tế mà giá xăng dầu thế giới tăng cao quá cho nên chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn để làm chậm tốc độ tăng giá của xăng dầu trong nước so với tốc độ tăng giá của xăng dầu thế giới.

Đến bây giờ không thể giảm thêm. Nếu chúng ta cứ giữ mãi giá thấp thì thứ nhất là tạo ra buôn lậu ra nước ngoài, rồi tham nhũng hối lộ các lực lượng chức năng. Hơn nữa doanh nghiệp FDI lại hưởng lợi nhiều hơn, không thể lấy thóc đãi gà rừng được", ông Thịnh nhận xét

Về nguồn cung, ông Thịnh dự báo trong thời gian tới sẽ được cải thiện. Trước đó, tình trạng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn chỉ báo trước 1 tháng việc giảm hoặc ngừng sản xuất nên các đầu mối không kịp tăng lượng nhập khẩu. Hiện tại, về cơ bản lượng nhập khẩu xăng dầu đã tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem