Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Giá dầu giảm sâu liên tiếp

Nguyễn Phương Thứ năm, ngày 13/10/2022 08:00 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu bước sang ngày giảm thứ 4 liên tiếp bởi đồng USD mạnh, nhu cầu giảm, và dự trữ dầu của Mỹ tăng. Giá dầu WTI trượt xa khỏi mốc 90 USD/thùng, dầu Brent “neo” ở mức hơn 92 USD/thùng. Thị trường lo ngại về triển vọng các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất cao hơn.
Bình luận 0

Triển vọng nhu cầu yếu, đồng USD mạnh hơn, dự trữ dầu thô Mỹ tăng... là những nhân tố khiến giá dầu hôm nay tiếp đà giảm, trong đó dầu Brent đã trượt về mức hơn 92 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Dầu thô tiếp đà giảm mạnh 

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 85,99 USD/thùng, giảm 0,07 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 12/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã giảm tới 1,29 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 92,45 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 1,31 USD so với cùng thời điểm ngày 12/10.

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Giá dầu giảm sâu liên tiếp - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Giá dầu giảm sâu liên tiếp - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Giá dầu giảm sâu liên tiếp - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Giá dầu giảm sâu liên tiếp - Ảnh 4.

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá dầu hôm nay tiếp tục xu hướng giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất suất tạo áp lực lớn lên kinh tế toàn cầu.

Lạm phát vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương xem xét thực hiện thêm các đợt tăng lãi suất. Nhiều ngân hàng trung ương cũng bày tỏ quan điểm sẵn sàng hy sinh tăng trưởng để hạ nhiệt lạm phát thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ.

Việc Trung Quốc vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt cũng ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu.

Tại Mỹ, theo báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), tuần trước dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7,054 triệu thùng; dự trữ xăng tăng 2,008 triệu thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 4,560 triệu thùng.

Ở diễn biến mới nhất, Bộ Năng lượng Mỹ đã dự báo mức tiêu thụ dầu của nước này trong năm 2023 chỉ tăng 0,9%, giảm đáng kể so với dự báo 1,7% được đưa ra trước đó. Mức tăng này của toàn thế giới trong năm 2023 là 1,5%, thấp hơn mức dự báo 2% được đưa ra trước đó.

Bên cạnh đó, giá dầu ngày 13/10 giảm mạnh còn do đồng USD mạnh hơn.

Trong phiên giao dịch 12/10, giá dầu châu Á giảm nhẹ khi đà tăng của đồng USD ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Trong phiên này, đồng USD đã vọt lên mức cao mới trong 24 năm so với đồng yen do mối lo ngại về lạm phát và tốc độ tăng lãi suất tại Mỹ. Đà tăng của đồng bạc xanh khiến những hàng hóa định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác và có xu hướng đè nặng lên dầu và các tài sản rủi ro khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định giá dầu sẽ tiếp tục tăng sau một đợt giảm trong ngắn hạn và có thể tăng lên 104 USD/thùng đối với dầu Brent và khoảng 98 USD/thùng đối với dầu WTI giữa bối cảnh nguồn cung thắt chặt, sau khi các nhà sản xuất lớn nhất trí cắt giảm sản lượng.

Tuần trước, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11.

Citi Research dự báo trong năm 2022, giá dầu WTI sẽ đạt trung bình 96 USD/thùng và giá dầu Brent ở mức 101 USD/thùng.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/10.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.

Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết, trong kỳ điều hành lần thứ 2 trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nên giá cơ sở xăng dầu đều tăng.

Giá xăng dầu hôm nay 13/10: Giá dầu giảm sâu liên tiếp - Ảnh 5.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.

Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi quỹ đối với các loại xăng dầu khác.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 13/10 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 715 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít, giá sẽ tăng 2.179 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.387 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).

Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3/10 - 11/10) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+.

Cụ thể, mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và dự kiến xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm.

Bộ Công Thương cho biết, lượng hàng xăng dầu tồn trong kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa. Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...

Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.

Diễn biến mới nhất, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 326/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk….

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có khoảng 200 cửa hàng đóng cửa, đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu: Chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10/2022.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem