Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 12/10/2022 08:32 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên sáng nay, khi rủi ro trên thị trường tiếp tục tăng lên do áp lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Trong nước, giá xăng dầu vừa đồng loạt tăng từ 560 - 1.979 đồng/lít...
Bình luận 0

Giá dầu hôm nay tiếp tục giảm giá mạnh khi lo ngại suy thoái kinh tế đè nặng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ và đồng USD mạnh hơn.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh 

Đà lao dốc của giá xăng dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi lo ngại suy thoái gia tăng và nhu cầu giảm. Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 87,28 USD/thùng, giảm 0,69 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 11/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã giảm tới 2,40 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 93,76 USD/thùng, giảm 0,53 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 2,15 USD so với cùng thời điểm ngày 11/10.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 4.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh

Giá dầu ngày 12/10 giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sụt giảm khi nhiều nền kinh tế lớn được dự báo sớm rơi vào suy thoái.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 11/10, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng và cho biết lạm phát vẫn là một vấn đề tiếp diễn.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được đưa ra tại cuộc họp thường niên, IMF cho rằng, tăng trưởng trong năm 2023 sẽ giảm xuống mức 2,7% so với mức dự báo 2,9% hồi tháng 7 vừa qua. Cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa hồi kết, giá năng lượng và lương thực cao, tình trạng lạm phát và lãi suất cao là những nguyên nhân chính được IMF chỉ ra khiến kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ gia tăng rơi vào suy thoái trong năm tới.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023 sẽ chỉ ở mức 1%; khu vực đồng tiền Euro là 0,5% và Trung Quốc là 4,4%.

Nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc cũng được dự báo sẽ giảm mạnh khi nước này vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt cũng là nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống.

Ngoài ra, đồng USD mạnh hơn cũng là tác nhân khiến giá dầu ngày 12/10 giảm mạnh.

Giá dầu thế giới đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 11/10, nối dài đà giảm gần 2% trong phiên giao dịch trước đó, giữa bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng và số ca nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc đột ngột tăng cao làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Tâm lý bi quan ngày càng lan rộng trên thị trường. Giá dầu đã giảm mạnh do lo ngại về triển vọng kinh tế sau khi tăng mạnh vào đầu năm 2022, khi dầu Brent tiến gần mức cao kỷ lục 147 USD/thùng do xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Rủi ro lãi suất quay trở lại thị trường sau một tuần thiếu vắng các thông tin vĩ mô sẽ còn gây sức ép cho giá dầu. Bằng chứng là giá dầu tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên sáng nay, khi rủi ro trên thị trường tiếp tục tăng lên do áp lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Các quan chức Fed ngày hôm qua đã báo hiệu sẽ tăng lãi suất lên 4,5% và duy trì mức lãi suất này ít nhất cho đến hết năm sau. Điều này sẽ gây áp lực khiến cho các ngân hàng trung ương khác, như ngân hàng trung ương Anh BoE hoặc ngân hàng trung ương châu Âu khác cũng phải có động thái tương tự, tránh cho tỷ giá của họ sụt giảm quá sâu, đặc biệt khi cán cân thương mại của các nước này đang rơi vào trạng thái thâm hụt do lạm phát cao. 

Trong số các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, hiện tại gần như chỉ có Trung Quốc đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, chính sách này cũng đang tạo ra rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trên số liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng CPI của nước này vẫn đang ở mức thấp chỉ 2,5%, tuy nhiên đấy là do trọng số các mặt hàng trong nhóm của nước này không đặt nặng lương thực và năng lượng giống như Mỹ và châu Âu.

Thực chất so với đầu năm 2022, chi phí nhập khẩu lương thực, thực phẩm và xăng dầu của Trung Quốc vẫn ở mức cao, vì nước này phải nhập khẩu rất lớn để đáp ứng nhu cầu nội địa. Điều này khiến cho thị trường rơi vào trạng thái vô cùng khó khăn, vì dù Trung Quốc giữ lãi suất ở mức thấp hay tăng lãi suất lên thì rủi ro cho nền kinh tế cũng không giảm bớt.

Tỷ giá cao đang gây khó cho người dân trong nước, đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp trẻ 16 – 24 tuổi đang ở mức 20% sẽ khiến nhiều gia đình Trung Quốc phải giảm chi để tiết kiệm, đặc biệt khi thị trường lao động ảm đạm do nguy cơ các công ty chịu ảnh hưởng từ chính sách “Zero-Covid”. 

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/10.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.

Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết, trong kỳ điều hành lần thứ 2 trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nên giá cơ sở xăng dầu đều tăng.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 5.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 6.

Nguồn: Bộ Công Thương

Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 7.

Nguồn: Bộ Công Thương

Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi quỹ đối với các loại xăng dầu khác.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 12/10 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 715 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít, giá sẽ tăng 2.179 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.387 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).

Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3/10 - 11/10) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+.

Cụ thể, mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và dự kiến xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm.

Bộ Công Thương cho biết, lượng hàng xăng dầu tồn trong kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa. Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...

Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem