"Vi hành" kiểm tra tổng kho xăng dầu Nhà bè của Bộ Công Thương được báo trước, chuyên gia bình luận gì?

12/10/2022 15:35 GMT+7
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính đặt dấu hỏi về hiệu quả việc đi kiểm tra kho xăng dầu lớn hàng đầu miền Nam Tổng kho Nhà Bè của Bộ trưởng Công Thương ngày 19/10 báo trước.

Bộ trưởng Công Thương đi kiểm tra xăng dầu

Theo thông tin Bộ Công Thương gửi Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 19/10 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ dẫn đầu đoàn công tác của bộ, đi kiểm tra Tổng kho xăng dầu Nhà Bè xuất phát từ tình trạng khan hiếm, nhiều đại lý bán lẻ thiếu xăng dầu ở phía Nam.

Chuyên gia nói gì khi kế hoạch "vi hành" kiểm tra tổng kho xăng dầu Nhà bè của Bộ Công Thương được báo trước? - Ảnh 1.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu, đại lý hết xăng xảy ra ở nhiều nơi tại TPHCM (Ảnh: Ngọc Quỳnh)

Cụ thể, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo lịch làm việc giữa đoàn công tác của Bộ với các đơn vị bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Theo kế hoạch, vào tuần tới, trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Nguyễn Hồng Diên sẽ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ này vào Nhà Bè (TP.HCM) để khảo sát hiện trạng kho, bể chứa của doanh nghiệp và công tác bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia hiện nay; việc chấp hành các quy định của Nhà nước với công tác dự trữ xăng dầu quốc gia.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ làm việc với Petrolimex về các định hướng phát triển kinh doanh, phát triển hệ thống kho, bể chứa của doanh nghiệp cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu cho Nhà nước thuê kho trong thời gian tới.

Trả lời nhanh PV Dân Việt, GS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, chuyên gia kinh tế khẳng định: "Các đợt kiểm tra đột xuất cần, nhưng cách hiệu quả nhất là cần bất ngờ, không thông báo trước để tìm hiểu rõ thực trạng. Tại sao kế hoạch kiểm tra tuần sau lại báo cho doanh nghiệp từ tuần này? Để họ đón tiếp hay vì mục đích gì?".

Ông Thịnh khẳng định: Để hiệu quả, thực chất, phải có các đợt giám sát, hậu kiểm thường xuyên từng tháng, quý, từng địa bàn.

Về phân phối xăng dầu, ông Thịnh chia sẻ, hiện các đầu mối đều có chân rết (các đại lý độc quyền, nhượng quyền) nên mỗi địa bàn, kế hoạch giao từng tháng, quý phải sát sao, đúng nơi, đúng chỗ. Tại sao Bộ Công Thương, Sở Công Thương và Quản lý thị trường không sát sao việc này, để tình trạng thiếu trước, hụt sau xảy ra liên tục.

Theo chuyên gia Thịnh, kinh doanh xăng dầu mang nặng cơ chế mạng lưới, theo chuỗi, khác với cơ chế kinh doanh độc lập ai làm người đó hưởng. Vậy phải làm rõ cơ chế vì sao các đầu mối, phân phối đẩy lỗ, ép giá bán cao cho đại lý bán lẻ. Làm rõ vấn đề này chúng ta mới đưa ra các giải pháp được.

Theo ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc, chuyên kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh: "Tại sao Quản lý thị trường không kiểm tra thường xuyên các nhà phân phối còn xăng dầu hay hết thực sự?".

Ông Tây cho rằng: Nếu các thương nhân phân phối còn hàng, vậy cơ quan quản lý phải làm rõ vì sao lại thời điểm xăng dầu giảm, giá thấp lại khan hàng, trong khi đó lúc giá cao xăng dầu lại dồi dào?

Hiện Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè có diện tích mặt bằng rộng 196 hecta, với hệ thống kho cảng hiện đại có tổng sức chứa 730.000m3. Tổng kho có 09 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 40.000 DWT. Ngoài nhiệm vụ kinh doanh cho doanh nghiệp, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè còn làm nhiệm vụ là kho dự trữ quốc gia.

An Linh
Cùng chuyên mục