Giá xăng dầu hôm nay 27/5: Tiếp tục bật tăng mạnh

P.V Thứ sáu, ngày 27/05/2022 08:23 AM (GMT+7)
Trên thị trường thế giới, giá dầu tiếp tục biến động tăng trong phiên giao dịch sáng nay (27/5) sau khi leo dốc khoảng 3% vào phiên trước. Tín hiệu về nguồn cung thắt chặt, đồng USD yếu hơn, tâm lý rủi ro của nhà đầu tư được cải thiện đã thúc đẩy giá dầu bật tăng mạnh.
Bình luận 0

Giá xăng dầu hôm nay 27/5: Tiếp tục tăng vì nguồn cung thắt chặt 

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/5/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 114,26 USD/thùng, tăng 0,17 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 26/5, giá dầu WTI giao tháng 7/2022 đã tăng tới 3,17 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 117,61 USD/thùng, tăng 0,21 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,93 USD so với cùng thời điểm ngày 26/5.

Giá xăng dầu hôm nay 27/5: Tiếp tục bật tăng mạnh - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 27/5 tăng vọt.

Giá dầu ngày 27/5 tăng vọt trong bối cảnh thị trường đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ được cải thiện mạnh nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, hướng tới gỡ dần các lệnh phong toả ở một số thành phố lớn ở Trung Quốc. Thượng Hải (Trung Quốc) bắt đầu gỡ dần các biện pháp phong toả, tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 1/6 tới.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD mất giá. Ngoài ra, lo ngại về một lệnh cấm vận dầu thô Nga của EU sẽ làm thị trường dầu thô rơi vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung trầm trọng cũng là nhân tố thúc đẩy giá dầu đi lên.

Giá dầu đã tăng ngày thứ 3 liên tiếp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Trong phiên giao dịch ngày 26/5, dầu đã tăng giá khoảng 3% lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) rằng tồn kho dầu thô thương mại giảm 1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 20/5; tồn kho xăng giảm 500.000 thùng trong tuần trước và thấp hơn khoảng 8% so với mức trung bình 5 năm cho thời điểm này trong năm. Theo dự báo, dự trữ xăng của Mỹ có thể sẽ vẫn khan hiếm khi nhu cầu tăng lên trong mùa lái xe.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel bày tỏ tin tưởng về một thỏa thuận đạt được trước cuộc họp tiếp theo của hội đồng vào ngày 30/5 tới. Tuy nhiên, Hungary vẫn là một trở ngại, vì các lệnh trừng phạt của EU chỉ có hiệu lực khi có sự nhất trí của toàn bộ 27 thành viên trong đó có Hungary.

Nhưng ngay cả khi không có lệnh cấm chính thức, thị trường thế giới vẫn vấp phải sự thiếu hụt dầu của Nga bởi người mua và các nhà kinh doanh vẫn “tránh” dầu Nga. Sản lượng dầu của Nga sẽ giảm xuống còn 480-500 triệu tấn trong năm nay. Năm ngoái, sản lượng dầu của Nga đạt 524 triệu tấn.

Trong khi đó, dự kiến trong lần nhóm họp tới ngày 2/6, Tổ chức các nước xuất khẩu dẩu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vẫn sẽ giữ nguyên tăng mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi của phương Tây tăng sản lượng cao hơn để kiểm soát giá dầu.

Trong một diễn biến khác, theo ước tính của nhiều tổ chức, việc Trung Quốc tranh thủ mua dầu Nga giá rẻ có thể khiến cho nhập khẩu dầu qua đường biển trong tháng 5 từ Nga đạt 1,1 triệu thùng/ngày, cao hơn đáng kể so với con số 800,000 thùng/ngày trong năm 2021. Trên thị trường, Trung Quốc được biết đến là một khách hàng nhậy cảm với giá, và đang tích cực thu mua dầu vào các kho dự trữ. Ấn Độ cũng được cho là đã nhập khẩu 270.000 thùng/ngày từ Nga trong tháng 4, cao hơn đáng kể so với con số 66.000 thùng/ngày trong tháng 3.

Tuy vậy, các con số này khó có thể làm giảm thiểu nhiều tác động của gói trừng phạt thứ 6 mà EU đề xuất, hướng đến lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga áp dụng cho 27 thành viên. Trong suốt 1 tháng qua, thông tin chính trên thị trường vẫn là gói cấm vận thứ 6 mà Liên minh châu Âu EU đề xuất áp đặt lên Nga. Giới phân tích cảnh báo điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc giao dịch gần 3 triệu thùng/ngày dầu thô và các sản phẩm về dầu của Nga, còn như đã phân tích ở trên lượng dầu thu mua từ các khách hàng châu Á có thể cũng chỉ rơi vào trên 500.000-700.000. Hơn thế nữa, giá dầu của Nga đang ở mức cạnh tranh còn khiến cho Trung Quốc giảm thu mua từ Iran khoảng 200.000 thùng/ngày, mà Iran lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán hàng cho các quốc gia khác, do đang chịu cấm vận từ Mỹ. Như vậy, về tổng thể, một khi lệnh cấm vận được thông qua, bất kể các biện pháp xúc tiến bán hàng sang châu Á của Nga, sản lượng của nước này chắc chắn sẽ sụt giảm.

Và như vậy, giá dầu khả năng sẽ quay trở lại đà tăng trong 1-2 phiên tới nữa dưới sự dẫn dắt của các yếu tố cơ bản nêu trên.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước:

Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành giá từ ngày 24/5.

Theo đó, tại kỳ điều hành ngày 23/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định ngừng trích lập và thực hiện chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các loại xăng để giá xăng trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng thế giới. Bên cạnh đó, liên Bộ quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu nhằm duy trì Quỹ BOG để có công cụ điều hành trong thời gian tới.

Cụ thể, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít) và xăng RON 95 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 400 đồng/kg. Thực hiện chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), các mặt hàng dầu không chi.

Ngày 27/5, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 29.633 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 30.657 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 25.553 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.405 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.598 đồng/kg.

Giá xăng dầu hôm nay 27/5: Tiếp tục bật tăng mạnh - Ảnh 2.

Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022.

Chiều 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nêu "đối sách" về thuế, ứng phó giá xăng dầu trong nước tăng mạnh. Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản cộng thêm tác động từ xung đột Nga – Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022). Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng vào quý III/2022.

Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Trong khi các đại biểu đều bày tỏ lo ngại về giá xăng dầu leo thang, bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Thực tế, chúng ta vẫn còn có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên cơ quan chức năng phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem