Giá xăng dầu hôm nay 5/6: Tuần dầu thô được “kích nổ” mạnh nhất

P.V Chủ nhật, ngày 05/06/2022 08:33 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 5/6: Giá dầu thế giới tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 3/6 và cả hai loại dầu khép lại tuần qua với mức tăng mạnh hơn 3%. Dầu được dự báo sẽ tiếp tục đi lên khi các nhu cầu tiêu thụ phục hồi thời gian tới...
Bình luận 0

Giá xăng dầu hôm nay 5/6: Ghi nhận tuần tăng vọt của giá dầu

Giá dầu vẫn tăng mạnh tuần qua dù cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã quyết định tăng thêm sản lượng dầu thô để bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Nga. Ngoài ra, việc Trung Quốc chấm dứt phong tỏa phòng dịch Covid-19 ở Thượng Hải cũng có thể thúc đẩy nhu cầu trong một thị trường vốn đã thắt chặt. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/5.

Thị trường dầu hiện nay đang không chỉ gặp vấn đề với nguồn cung dầu thô. Năng lực lọc dầu cũng đang là vấn đề lớn. Sản lượng của các nhà máy lọc dầu trên thế giới hiện nay thấp hơn tới gần 3 triệu thùng/ngày so với năm 2019 cũng do việc thiếu đầu tư của các quốc gia thời gian qua.

Giá dầu tăng dù OPEC+ sẽ tăng sản lượng mạnh hơn trong tháng 7. Tại cuộc họp vào ngày 2/6, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày vào tháng 7, sau khi tăng 432.000 thùng/ngày trong các tháng trước.

Các nhà phân tích về năng lượng cho rằng, OPEC+ đã dồn mức tăng trong 3 tháng tới vào 2 tháng. Nói cách khác, dầu mỏ sẽ được đưa vào thị trường nhiều hơn trong thời gian ngắn.

Theo các ước tính mới nhất, OPEC+ đang bơm ra thị trường trên thực tế thấp hơn tới gần 2 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng mục tiêu do chính họ đề ra, một mức sản lượng mà vốn đã được cho là không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vậy nên mức tăng 650 nghìn thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới, dù là cao hơn trước, nhưng không mang lại cho thị trường nhiều tín hiệu tích cực.

Giá xăng dầu hôm nay 5/6: Tuần dầu thô được “kích nổ” mạnh nhất - Ảnh 1.

Giá dầu tăng hơn 3% trong tuần qua.

Cụ thể trong tuần: Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/5/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 115,50 USD/thùng, tăng 0,43 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 119,36 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng trong phiên.

Động lực tăng giá của dầu thô tiếp tục được củng cố trong phiên giao dịch sau đó khi thông tin EU đạt thống nhất cấm vận dầu thô Nga được phát đi và đồng USD suy yếu.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 31/5/2022, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 117,65 USD/thùng, tăng 2,58 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 121,26 USD/thùng, tăng 1,83 USD/thùng trong phiên.

Và khi EU thông báo chính thức về quyết định cấm vận dầu thô Nga, giá dầu đã duy trì đà tăng mạnh, liên tục leo đỉnh nhiều tháng trở lại đây.

Khép tuần giao dịch, giá dầu ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 120,26 USD/thùng, tăng 3,39 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,27 USD/thùng, tăng 3,66 USD/thùng trong phiên.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Trong nước, từ 15 giờ ngày 1/6, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng; xăng E5 RON 92 cũng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần điều chỉnh tăng và 3 lần giảm.

Căn cứ vào diễn biến thị trường và các mục tiêu điều hành giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định không trích lập Quỹ BOG (Quỹ Bình ổn giá) đối với các loại xăng, giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg); đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi.

Giá xăng dầu hôm nay 5/6: Tuần dầu thô được “kích nổ” mạnh nhất - Ảnh 2.

Trong nước, từ 15 giờ ngày 1/6, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 5/6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 diễn ra vào chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về giải pháp bình ổn giá xăng dầu, có 3 biện pháp cần lưu ý, tập trung thực hiện.

Trước hết, cần sử dụng công cụ Quỹ BOG một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

"Giá bình quân một số mặt hàng xăng, dầu thế giới tại thị trường Singapore từ đầu năm đến 1/6 tăng 45,6 - 63,68%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng linh hoạt, hợp lý những công cụ bình ổn giá suốt thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29 - 47,89%. Như vậy rõ ràng mức tăng của chúng ta thấp hơn mức tăng của thế giới", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay.

Biện pháp thứ hai, phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu. Ví dụ, hiện nay có thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị và Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, ngày 23/3/2022, Ủy ban TVQH đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hoả từ ngày 1/4/2022, có hiệu lực đến hết năm nay.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu.

Biện pháp thứ ba, Bộ có quan điểm là giá xăng, dầu muốn giảm được mức tăng không phải chỉ có riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính mà đây còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các Bộ, ngành khác.

Vì vậy, cần hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân, hướng đến những đối tượng người nghèo, hộ chính sách… và phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay.

"Chúng tôi tin rằng với những biện pháp hiện nay và sắp tới sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng dầu trong khả năng cho phép", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho hay các chính sách thuế đang áp dụng với xăng dầu hiện nay gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các sắc thuế này đảm bảo phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới.

Trung bình các nước trên thế giới tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu chiếm khoảng 45-60% (trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn).

Tại Việt Nam, sau khi có chính sách về giảm thuế, tỉ trọng thuế với xăng khoảng 29-31%, còn đối với dầu diesel khoảng 13,3%. Thuế và lệ phí không quy định thu trên xăng, dầu. Như vậy, có thể thấy thuế với xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới.

Hiện tại, trong bối cảnh giá xăng, dầu lên cao, ngày 21/4 Bộ Tài chính đã xin ý kiến các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ về biểu thế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12% nhằm đa dạng hoá các nguồn cung xăng dầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem