Khó nhập xăng giá rẻ từ Malaysia
Thông tin giá xăng ở Malaysia chỉ 13.000 đồng/lít và nước này muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận, trong bối cảnh giá xăng dầu tại Việt Nam liên tục điều chỉnh tăng. Giá xăng RON95 đã chạm 31.570 đồng/lít. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng nhập khẩu xăng giá rẻ từ Malaysia là không dễ.
Bộ Công Thương lên tiếng
Ngày 3/6, Bộ Công Thương đã có phản hồi trước thông tin báo chí đăng tải về việc "Giá chỉ 13.000 đồng/lít, Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam".
Theo đó, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30%-32% (tương đương 10.000 - 11.000 đồng/lít). Nếu không có thuế phí, giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít). Bộ Công Thương nhấn mạnh Malaysia là nước sản xuất xăng dầu lớn và xuất khẩu xăng dầu.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc nhập xăng dầu giá rẻ từ Malaysia về Việt Nam là không khả thi .Ảnh: TẤN THẠNH
Tại Malaysia, nhà nước không đánh các loại thuế đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước và chính phủ có chính sách trợ giá cho người dân. Hiện chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 RM tương đương 0,4 USD cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM tương đương 0,45 USD cho mỗi lít dầu diesel.
Bộ Công Thương giải thích, nếu không được chính phủ trợ giá, giá xăng dầu của Malaysia sẽ tương đương giá xăng dầu tại Việt Nam.
"Chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa, ngay cả người nước ngoài tại đây cũng phải mua xăng không được trợ giá. Do đó, xăng dầu xuất khẩu của Malaysia được bán theo giá thị trường chung của khu vực. Chẳng hạn, tại Singapore, nước xuất khẩu xăng dầu lớn khu vực châu Á, giá xăng dầu đang ở mức khá cao. Giá xăng RON95 của Singapore hiện ở mức 2,315 USD/lít (tương đương khoảng 54.000 đồng/lít)" - Bộ Công Thương nêu.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp trong nước vẫn nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương Singapore (theo giá MOP’s là giá bình quân hằng ngày do hãng tin Platt của Singapore công bố).
Trước đó, tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo" tổ chức ngày 2-6 ở TP HCM, ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, cho biết Malaysia có lợi thế về xăng dầu, khí hóa lỏng. Giá xăng hiện nay tại nước này chỉ có 13.000 đồng/lít. Malaysia cũng có kế hoạch xuất bán cho Việt Nam 300.000 lít xăng với giá hữu nghị.
Tiếp cận xăng giá rẻ của Malaysia không dễ!
Theo giới chuyên môn, mỗi nước có chính sách giá nhiên liệu khác nhau, không thể thấy giá bán của Malaysia thấp mà dễ tiếp cận. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận khách hàng ở Malaysia để tìm kiếm nguồn hàng nhưng vẫn phải giao dịch theo giá thế giới.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn tại TP HCM cho biết giao dịch mua bán xăng dầu là theo giá thế giới. Cụ thể, giao dịch mua bán xăng dầu trong khu vực là tại thị trường Singapore, còn nguồn hàng có thể ở Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc... Việc tìm nguồn hàng giá rẻ từ Malaysia rất khó thực hiện.
Các chuyên gia xăng dầu cũng giải thích giao dịch xăng dầu là thị trường mở, giá bán ra cao hay thấp do mỗi nước có chính sách khác nhau. Tại Việt Nam, giá xăng khoảng 30.000 đồng/lít, trong đó thuế, phí chiếm tỉ lệ rất cao. Như vậy, việc Malaysia bán xăng ra thị trường của họ với giá 13.000 đồng là phù hợp với giá thế giới khi họ không áp thuế, phí và trợ giá.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, nói việc nhập khẩu gas cũng giống như xăng dầu, khó có thể tìm được nguồn giá rẻ nào khác. Đây là nguyên tắc giao dịch quốc tế, không thể thay đổi. Ngay các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam khi bán xăng dầu, gas cho doanh nghiệp trong nước cũng áp dụng theo giá thế giới.
Giảm các loại thuế, phí để bình ổn xăng dầu
Bên hành lang Quốc hội ngày 3-6, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng việc bình ổn giá xăng dầu cần triển khai qua nhiều phương thức, trong đó có việc tăng nguồn cung, giảm các loại thuế, phí. Khi nguồn cung trong nước được chủ động, bảo đảm từ các nhà máy lọc hóa dầu, nguồn dự trữ tăng lên sẽ hạn chế được ảnh hưởng từ biến động bên ngoài.
"Nếu có các nguồn nhập khẩu với mức giá phù hợp là biện pháp bảo đảm nguồn cung. Không có lý do gì giá xăng dầu trong nước cao, chúng ta có nguồn nhập khẩu với giá ưu đãi lại không tính đến" - ông Cường nói, nhưng lưu ý Việt Nam có chính sách điều hành giá xăng dầu riêng, không áp dụng rập khuôn theo chính sách các nước.