Giá xăng dầu hôm nay 7/6: Dầu lấy lại đà tăng, những dự báo rất "nóng" sắp tới

P.V Thứ ba, ngày 07/06/2022 08:37 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 7/6: Giá dầu ngày 7/6 quay đầu tăng nhẹ khi mà khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu ngày một lớn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo phục hồi mạnh và nguồn cung bị thắt chặt hơn.
Bình luận 0

Giá xăng dầu hôm nay 7/6: Dầu lấy lại đà tăng sau khi mất mốc 120 USD/thùng 

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 7/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 116,44 USD/thùng, tăng 0,38 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 6/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 đã giảm 1,36 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 119,89 USD/thùng, tăng 0,38 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 1,47 USD so với cùng thời điểm ngày 6/6.

Giá dầu ngày 7/6 quay đầu tăng nhẹ khi mà khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu ngày một lớn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo phục hồi mạnh và nguồn cung bị thắt chặt hơn.

Quyết định cấm vận dầu thô Nga sẽ buộc EU phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Mức sản lượng cấm vận được cho sẽ rơi vào khoảng 2 triệu thùng.

Mỹ đã cho phép 2 tàu chở dầu vận chuyển dầu thô Venezuela đến châu Âu nhằm giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung dầu tại đây. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nguồn cung dầu tư Venezuela là không đủ để bù đắp lượng dầu thiếu hụt ở châu Âu.

Nhu cầu tiêu thụ dầu cũng được dự báo sẽ tăng mạnh hơn khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và các nước bước vào cao điểm mùa mè, mùa dù lịch.

Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy bởi thông tin Saudi Arabia tăng giá bán dầu cho các nước châu Á, một động thái cho thấy tình trạng nguồn cung dầu đang bị thắt chặt hơn.

Dòng chảy năng lượng từ Nga cũng đang được dịch chuyển mạnh hơn sang châu Á, không chỉ dầu thô mà cả khí đốt, được dự báo có thể sẽ đẩy nhiều nước châu Âu rơi vào khủng hoảng do thiếu hụt nguồn cung.

Giá xăng dầu hôm nay 7/6: Dầu lấy lại đà tăng, những dự báo rất "nóng" sắp tới - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 7/6: Lấy lại đà tăng sau khi mất mốc 120 USD/thùng.

Đầu tuần trước, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng vọt lên 124 USD/thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022 - sau khi EU thông báo sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.

Sau đó, giá dầu đã giảm nhẹ trở lại khoảng 117 USD/thùng, phần lớn là do kỳ vọng rằng, Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ bơm thêm dầu.

Ngày 6/6, dầu thô WTI giao dịch trên ngưỡng 120 USD/thùng, dầu Brent giao dịch trên mốc 121 USD/thùng.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm ngoái, Nga chiếm 14% nguồn cung dầu toàn cầu và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đang tạo ra một khoảng trống đáng kể trên thị trường.

Trong tháng 4, sản xuất dầu của Nga giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Trong nửa cuối năm nay, mức giảm này có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày.

Ngày 2/6, OPEC và các đồng minh của tổ chức này (OPEC+) đã nhất trí bơm thêm 648.000 thùng dầu/ngày vào thị trường toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8 - nhiều hơn 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch.

IEA dự đoán, sản lượng dầu toàn cầu, ngoại trừ Nga, sẽ tăng hơn 3 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, điều này có thể khó đạt được. Lý do bởi ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine, các nhà sản xuất dầu đã giảm bớt đầu tư vào sản xuất khi họ chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Trong khi đó, OPEC + đang phải vật lộn để theo kịp với thỏa thuận hiện tại. Trong tháng 5, các thành viên cốt lõi của OPEC như Saudi Arabia, UAE và Kuwait cũng xuất khẩu ít hơn đáng kể so với tháng trước.

Nhiều quốc gia thành viên OPEC+ đã đạt đến giới hạn năng lực. Vì vậy, mức tăng sản lượng thực chất có thể chỉ bằng một nửa mục tiêu. Chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có đủ năng lực dự phòng để bù đắp một phần đáng kể thiếu hụt nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Một số chuyên gia khác cũng nhận định, mức tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày của OPEC+ còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,4% nhu cầu toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8. Nguồn cung bổ sung chỉ tăng nhẹ có thể không đủ để xoa dịu thị trường dầu - vốn đã tăng lên mức cao nhất trong một thập niên.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Trong nước, từ 15 giờ ngày 1/6, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng; xăng E5 RON 92 cũng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần điều chỉnh tăng và 3 lần giảm.

Giá xăng dầu hôm nay 7/6: Dầu lấy lại đà tăng, những dự báo rất "nóng" sắp tới - Ảnh 2.

Trong nước, từ 15 giờ ngày 1/6, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.

Căn cứ vào diễn biến thị trường và các mục tiêu điều hành giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định không trích lập Quỹ BOG (Quỹ Bình ổn giá) đối với các loại xăng, giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg); đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7/6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem