Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải tăng giá cước vẫn không có lãi

24/03/2022 15:26 GMT+7
Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chia sẻ với Etime, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ nhà xe Sao Việt) cho biết: Hiện doanh nghiệp còn 70% số xe còn nằm bãi nhiều ngày, bụi phủ kín mà cũng chẳng lau chùi vì "đắp chiếu".

"Số xe vận hành khoảng 30% nhưng gần đây dịch bệnh bùng phát mạnh nên lượng khách đi lại càng giảm, chỉ chiếm 30% công suất ghế ngồi", ông Bằng xót xa khi chỉ tay về phía bãi xe.

Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải tăng giá cước vẫn không có lãi - Ảnh 1.

Nhà xe Sao Việt. Ảnh: V.B

Với tình hình khó khăn của doanh nghiệp vận tải khi giá xăng dầu tăng cao, ông Bằng cho hay: "Nhiều chuyến xe do quá vắng đã phải cắt để dồn chuyến và khách. Công ty càng chạy càng lỗ, nhưng không chạy thì mất khách".

"Nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay thì thời gian tới các đơn vị vận tải sẽ không cầm cự được nữa mà phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động," ông trải lòng.

Về mặt lý thuyết, giá xăng dầu tăng thì cước vận tải cũng sẽ tăng theo nhưng phải đi sau một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn còn phức tạp, lượng hành khách đi lại chưa đông nên việc tăng cước vận tải cũng ảnh hưởng tới khách đi lại nên các doanh nghiệp vận tải cũng đau đầu với bài toán này.

Do giá xăng dầu tăng cao, một số doanh nghiệp vận tải đã đăng ký tăng giá vé xe khách 10-22%; các hãng taxi, xe hợp đồng hiện phải tăng giá cước 10-15%, tương đương tăng 1.000 - 2.000 đồng mỗi km, có thể tăng hơn nữa theo tình hình xăng dầu thế giới.

"Doanh nghiệp đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng thông báo điều chỉnh thêm 50.000 đồng một vé (tăng 20%) so với giá cũ. Hành khách có thể kêu ca khi giá vé tăng nhưng đơn vị cũng mong mọi người chia sẻ bởi các đơn vị vận tải đang lỗ chồng lỗ, hoạt động cầm cự chứ không có lợi nhuận," ông Đỗ Văn Bằng cho biết thêm. 

Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải tăng giá cước vẫn không có lãi - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe Giáp Bát. Ảnh: TA

Tương tự, khi trao đổi với PV Etime, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: "Qua nhiều đợt dịch, đến nay hoạt động của các hãng taxi đã giảm 60-70% cả về doanh thu lẫn nhân lực. Nếu tình hình không thay đổi, sắp tới khó có hãng nào có thể trụ lại để sản xuất kinh doanh".

Trong khi đó, giá cước vận tải biển đi các chặng Mỹ, châu Âu tăng lại từ đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 3/2022 (hiện tăng từ 800-1.000 USD cho mỗi container 20 feet) khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục "đứng ngồi không yên.

Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì mà doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không.

Cùng với đó, có chính sách tín dụng như hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thủy nội địa; xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố gia hạn giảm phí, lệ phí hàng hải, phí sử dụng công trình hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng.


Thế Anh
Cùng chuyên mục