Giải bài toán tăng trưởng kinh tế từ góc nhìn tín dụng hậu Covid-19
Từ đầu năm đến nay làn sóng giảm lãi suất huy động và điều hành đã giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 2% so với đầu năm. Điều này chưa từng xảy ra trong vài năm trở lại đây. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp "vượt bão" Covid-19 ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, dù lãi suất giảm sâu và ngành ngân hàng tung ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế nhưng việc phục hồi của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế vẫn còn rất chậm.
Giới chuyên gia cho rằng, những giải pháp quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, trong đó sử dụng chính sách tiền tệ vào những dự án trọng điểm sẽ giúp khôi phục và phát triển kinh tế nhanh chóng hơn.
Trên thực tế thời gian qua hầu như không có dự án BOT nào khởi công vì không thuyết phục được ngân hàng rót vốn, trong đó việc chậm tiến độ của một số dự án đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương đó.
Mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã đưa ra khẳng định, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.
"Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm", Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng phải nói thêm rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam được ví như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Để kinh tế phát triển thì phải có chính sách thúc đẩy "cỗ xe tam mã" chạy tốt.
Với lời khẳng định của người đứng đầu NHNN không chỉ mở ra cho các doanh nghiệp "cánh cửa" mới, mà với những giải pháp này, ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ đưa thêm được nhiều vốn ra nền kinh tế, góp phần đẩy "cỗ xe tam mã" tăng tốc. Tái cấp vốn cho các dự án có tính lan toả có thể hiểu tạo nguồn trung dài hạn cho các dự án trọng điểm của nền kinh tế.
Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng được coi là lực đẩy cho đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, nhưng chỉ khi "cỗ xe tam mã" cùng chuyển động dòng tín dụng mới có thể luân chuyển nhanh, mạnh. Khi đó, bài toán về tăng trưởng mới thực sự được giải quyết.
Theo đó, ngoài chính sách tiền tệ, cần phải kích cầu tiêu dùng trong nước, khơi thông thị trường xuất khẩu và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công… "Thúc đẩy tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hiện nay với nền kinh tế. Muốn làm được điều này, chính sách tiền tệ, đầu tư và tài khóa phải phối hợp thật nhịp nhàng, linh hoạt để kích thích tổng cầu, thúc đẩy "cỗ xe tam mã"", một chuyên gia nhìn nhận.