“Giải cứu” doanh nghiệp bất động sản, trước tiên cần tháo gỡ khó khăn gì?

31/12/2022 13:49 GMT+7
Để giải cứu doanh nghiệp bất động sản, một số chuyên gia nhận định cần phải khơi thông nguồn vốn và bơm vốn ra ngoài thị trường. Bởi, các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, nguồn huy động trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bất động sản "đói" vốn

Theo chu kỳ hằng năm, đặc biệt vào quý IV thì các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản có rất nhiều khoản chi, do phải thanh toán các khoản đối với nhà thầu, lo tiền lương thưởng cho nhân viên.

Trong năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng bị "bão giá", giá xăng, dầu cũng tăng, chi phí đầu tư lớn nên hoạt động của doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu chững lại, không muốn đầu tư sâu vì chi phí phát sinh ngoài kế hoạch lớn. Thời điểm này, không ít doanh nghiệp bất động sản còn rơi vào tình trạng bị mất thanh khoản do đầu tư dàn trải, không thu hồi được vốn.

“Giải cứu” doanh nghiệp bất động sản, trước tiên cần tháo gỡ khó khăn gì? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bất động sản khó khăn vì thiếu nguồn vốn (Ảnh: TN)

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản của Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 phát triển tốt. Tuy nhiên, bức tranh thị trường bất động sản khó khăn chỉ diễn ra trong giai đoạn ngắn từ cuối quý III/2022 đến nay.

"Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản bị đứng là do một số điểm nghẽn. Trong đó, vướng pháp lý đã khiến cho các dự án của nhiều doanh nghiệp bất động sản đưa sản phẩm ra thị trường yếu, kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, tín dụng, đã làm cho thanh khoản trên thị trường yếu đi", TS Đính nhận định.

Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cơ cấu các nguồn hàng cũng là điểm nghẽn khiến thị trường bất động sản "đứng bánh", khi các sản phẩm hiện chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường cũng đang có dấu hiệu hoảng sợ, e ngại.

Khơi thông nguồn vốn "giải cứu" doanh nghiệp bất động sản

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, khối doanh nghiệp nội địa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, nguồn huy động trái phiếu doanh nghiệp nên khi ngân hàng siết chặt tín dụng đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và khách hàng cũng khiến các doanh nghiệp bất động sản bị nghẽn nguồn vốn.

“Giải cứu” doanh nghiệp bất động sản, trước tiên cần tháo gỡ khó khăn gì? - Ảnh 2.

Cần khơi thông nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (Ảnh: TN)

"Muốn thúc đẩy trở lại không có cách nào khác là phải khơi thông nguồn vốn và bơm vốn ra. Chính phủ đã xem xét các chính sách nhằm khơi thông nguồn vốn, và giải quyết điểm nghẽn bằng việc nới room tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã xem xét nới room tín dụng từ 0,5-2% mỗi tháng. Cùng với đó, sẽ đốc thúc giải ngân đầu tư công vào cuối năm 2022 nên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản không nên quá lo lắng", PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, vấn đề hiện tại là niềm tin của doanh nghiệp. Đã có những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp bất động sản bắt đầu lo ngại, trong khi nhiều ngân hàng đã có chính sách nới room tài chính, nhưng nhiều ngân hàng đã hết tiền để cho vay khiến doanh nghiệp đang nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan.

"Với những chính sách điều hành như hiện tại, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tốt trở lại vào giữa năm 2023. Riêng đối với bất động sản, sẽ có những doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn có những doanh nghiệp bất động sản tìm thấy cơ hội. Những cơ hội từ các chính sách nhà ở xã hội, từ bất động sản công nghiệp mà dự báo sẽ ưu tiên phát triển", PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

TS Nguyễn Văn Đính tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp bất động sản có thể hy vọng trong năm 2023, khi đó sẽ có những tín hiệu hồi phục đối với thị trường bất động sản.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục