Giảm 30% thuế TNDN: Có tác dụng động viên tinh thần doanh nghiệp thua lỗ, chỉ "béo" công ty lãi

17/07/2020 06:00 GMT+7
Với quyết định giảm 30% thuế TNDN theo Nghị quyết của Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng điều này chỉ "béo" doanh nghiệp có lãi. Những doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, thua lỗ thì chỉ có tác dụng động viên tinh thần.

Tại Nghị quyết số 116/2020/QH14, Quốc hội quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. 

Nghị quyết này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nêu trên vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.

Chỉ hiệu quả với doanh nghiệp có lãi

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vận tải Phượng Hoàng, cho biết quyết định giảm 30% thuế TNDN kỳ nộp thuế năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết nhưng lại chỉ phù hợp với những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi. Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đều chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến phá sản, giải thể. Những doanh nghiệp còn tồn tại được cũng chịu cảnh thua lỗ, hầu như không phát sinh doanh thu nên chủ trương này không có tác dụng nhiều.

"Doanh nghiệp không có doanh thu thì có giảm 50% hay 100% đi nữa cũng không có tiền để nộp. Chính phủ đưa ra những phương án để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tính thực tế thì không cao. Đơn cử như các gói hỗ trợ vốn trước đó, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vay", ông Thắng cho hay.

Giảm 30% thuế TNDN và các gói hỗ trợ của Chính phủ cho DN: "Có tiếng mà không có miếng" - Ảnh 1.

Quốc hội quyết nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp

Lãnh đạo một công ty khác hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng cho biết chưa chắc có lợi nhuận vì giá thành đầu vào, chi phí cao nên giảm thuế TNDN thì cũng không có ý nghĩa. "Nếu Chính phủ, Bộ Tài chính cân nhắc cho giảm các loại thuế khác như giá trị gia tăng (VAT), xuất nhập khẩu; còn thuế TNDN kéo dài thời gian sang năm sau thì doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn", vị này cho hay. 

Có góc nhìn khách quan hơn, TS. Mạc Anh Quân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, đánh giá việc giảm 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 200 tỷ đồng trong năm 2020 rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

"Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ có tác dụng động viên về mặt tinh thần, bởi vì trên thực tế có nhiều doanh nghiệp không có hoạt động để phát triển doanh thu nên không có cơ sở nào để nộp thuế. Song, Nghị quyết này sẽ giúp có thêm động lực, niềm tin, sự quan tâm của Nhà nước trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp thêm động lực lớn để cố gắng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong thời gian tới", ông Quân bình luận.

Nhưng theo ông Quân, điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là điều kiện vay phải được nới lỏng. "Các khoản nợ cũ phải được giãn, khoanh lại và một số loại thuế có thể miễn hoặc giảm là thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất… để doanh nghiệp dồn lực phục hồi sản xuất”, TS. Mạc Anh Quân phân tích.

Có tiếng mà không có "miếng"

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng ngoài giảm 30% thuế TNDN Chính phủ cần nhiều hơn những gói hỗ trợ khác để cứu nguy cho doanh nghiệp, đặc biệt, xem xét lại những gói tài khóa đã ban hành trước đó xem có hiệu quả không.

"Tôi nghe nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng khó để tiếp cận các gói hỗ trợ, bởi thủ tục rất khó khăn. Hiện nay, doanh nghiệp cần phải tồn tại thì sau này mới có thể phục hồi được sản xuất. Họ cần được hỗ trợ, nhưng hầu hết các chính sách hỗ trợ chỉ thấy nói trên tivi", ông Hiếu nói.

Giảm 30% thuế TNDN và các gói hỗ trợ của Chính phủ cho DN: "Có tiếng mà không có miếng" - Ảnh 2.

Nhiều gói hỗ trợ được cho là chỉ có tiếng nhưng không có miếng

Theo ông Hiếu, các gói cứu trợ cho tới bây giờ mang ý nghĩa về mặt tâm lí, chính trị nhiều hơn, còn trên thực tế chưa có tác dụng gì nhiều. Cụ thể, có 4 gói tài khóa đã được thông qua bao gồm: Gói 300.000 tỷ đồng hỗ trợ DN nhỏ và vừa; gói 180.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế; gói 62.000 tỷ cứu trợ cho người mất việc và gói 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động.

"Trong đó, đối với gói 300.000 tỷ, cùng sự đóng góp thêm của các ngân hàng, số dư đã lên đến 700.000 - 800.000 tỷ đồng, nhưng lượng khách hàng nhận được ưu đãi là không nhiều. Lý do bởi ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn như Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Ngược lại, bản thân từng ngân hàng sẽ lựa chọn khách hàng thân thiết, có khả năng sinh lời, đóng góp nhiều cho lợi nhuận của họ", ông Hiếu bình luận.

Còn gói 180.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế cũng tương tự như việc giảm 30% thuế TNDN, theo ông Hiếu, chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn những đơn vị thua lỗ thì không có tiền đóng nên sẽ không quan tâm.

Bên cạnh đó, gói 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động cho tới thời điểm hiện tại, ngân hàng vẫn chưa giải ngân được đồng nào, chưa doanh nghiệp nào được nhận. 

"Thành thử ra, cho đến bây giờ, các gói tài khóa của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 chỉ là có tiếng mà không có miếng. Những gói tài chính này đang có hơi hướng như một cái cờ hiệu để cổ vũ cho doanh nghiệp thay vì đổ tiền vào thẳng túi doanh nghiệp giúp họ qua khỏi khó khăn trong lúc này", ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, điều nguy hiểm nhất của các doanh nghiệp hiện tại là mất tính thanh khoản. Có nghĩa là họ mất khả năng chi trả tiền lương cho người lao động, trả tiền cho nhà cung cấp, trà nợ ngân hàng, trả thuế Chính Phủ.. Khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ bị đuổi ra khỏi chỗ làm việc, ngân hàng xiết nợ, người lao động nghỉ việc.

"Thế nên Chính phủ phải tìm mọi biện pháp để bơm tiền vào cho nền kinh tế, bơm vào cho các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Để làm được điều đó, cơ chế mà trước nay tôi vẫn đề nghị, đó là phải cải cách, cải tổ lại cái quỹ bảo lãnh tín dụng", ông Hiếu nhấn mạnh.

Để củng cố cho luận điểm này, ông Hiếu cho biết, Việt Nam đã có Nghị định 34 của Chính phủ về quỹ bao lãnh tín dụng, ban hành năm 2018. Tuy nhiên, quỹ này chỉ là quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, vốn điều lệ trong khoảng 100 tỷ, và không được bảo lãnh quá 3 lần vốn điều lệ.

Ngoài ra, quỹ bảo lãnh tín dụng còn phải hoạt động dưới nguyên tắc bảo toàn vốn. Khi bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhưng bị xù nợ thì quỹ phải bồi thường. Trước những hạn chế như vậy quỹ tín dụng hiện tại theo Nghị định 34 là không hiệu quả.

"Chúng ta cần cải tổ lại toàn diện, lập thành quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, lấy ngân sách từ quốc gia với vốn điều lệ lớn, và cho họ (quĩ bảo lãnh tín dụng quốc gia - PV) thẩm quyền bảo lãnh số lượng lớn để cho doanh nghiệp đến vay theo ngân hàng, thì mới có thể bơm tiền cho các doanh nghiệp", ông Hiếu phân tích.




Quang Dân
Cùng chuyên mục