Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu: Sao còn chần chừ!?

An Linh Thứ bảy, ngày 10/09/2022 13:10 PM (GMT+7)
Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện chiếm từ 8-10% trong cơ cấu giá thành của xăng dầu, khi giá xăng dầu tăng dữ dội, nhiều kiến nghị nên giảm, bỏ loại thuế này. Nhưng đã hơn 4 tháng trôi qua, các phương án được bàn tới bàn lui nhưng chưa có kết quả.
Bình luận 0

Vì sao nâng lên, đặt xuống việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu?

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái một lần nữa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng dầu. Trước đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng cho ý kiến về phương án giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, đang chờ ý kiến các bên liên quan.

Theo tiết lộ của một chuyên gia về xăng dầu, rất khó có khả năng có xăng dầu giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt sớm như mong mỏi bởi còn hàng loạt quy định trói buộc. Bên cạnh đó, khoản thu thuế xăng dầu đang là khoản thu khá lớn của ngân sách nên các bên sẽ phải cân đong, đo đếm thật kỹ.

Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu: Sao còn chần chừ!? - Ảnh 1.

Theo giới chuyên gia, phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu đang bị nâng lên đặt xuống rất nhiều vì tác động nhiều yếu tố liên quan như số thu, tình trạng buôn lậu xăng dầu... (Ảnh: An Linh)

Vị này cho rằng, muốn giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu phải được luật hoá bằng sự đồng ý của Quốc hội vì ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Thứ hai, cần sửa đổi các pháp lệnh về thu ngân sách, dự toán thu, pháp lệnh về giá.

Trong trường hợp gấp, có thể làm tắt theo hướng ban hành nghị định áp dụng thời gian 6 tháng hoặc 12 tháng nằm trong gói phát triển kinh tế hoặc phục hồi, hỗ trợ kinh tế.

Tuy nhiên, phương án bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt là khó xảy ra, chỉ còn cách giảm bao nhiêu, liều lượng từng chủng loại xăng thế nào cho phù hợp, bởi hiện tại xăng khoáng có thuế suất cao hơn 10%, trong khi đó xăng pha chế với ethanol có thuế suất 7-8%.

"Việc bỏ thuế sẽ khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn, trong bối cảnh Việt Nam chưa tự chủ được nguồn cung xăng, vẫn phụ thuộc từ 30-50% số lượng xăng nhập khẩu, dù cho có hai đến ba nhà máy lọc dầu lớn. Nhiều người có quan điểm bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu do đây là nhiên liệu cho vận tải, giao thông - lĩnh vực kết nối hàng hoá, tiền hàng. Tuy nhiên, cần làm rõ việc tác động của giá xăng đối với giá hàng hoá để xem ảnh hưởng thực tế là bao nhiêu % lên các loại mặt hàng hay các doanh nghiệp chỉ đổ lỗi cho xăng dầu để nâng giá", vị chuyên gia nói.

Cũng theo vị này, trong trường hợp chứng minh được giá xăng dầu tác động làm tăng giá vận tải, losgistics, cần hỗ trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng này.

Theo chuyên gia Vũ Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, nhiều người lầm tưởng xăng dầu giá rẻ của các nước là do bỏ thuế. Không phải, đó là chính sách trợ cấp của các nước và chỉ nước nào có tiềm lực mạnh về xăng dầu hoặc lọc hoá dầu mới áp dụng hoặc họ chỉ áp dụng cho một số loại xăng dầu nhất định.

"Malaysia đã và đang áp dụng trợ cấp Chính phủ cho một số loại xăng sử dụng trong nước, không phải xăng bán thương mại. Nếu bán thương mại giá rẻ, vậy thì không thể có được. Tuy nhiên, chính Malaysia hằng năm cũng chi khoản tiền lớn và đang tranh cãi chuyện trợ cấp Chính phủ cho xăng dầu trong nước làm gia tăng ngân sách và cản trở chuyển đổi năng lượng, công nghệ trong nước", ông Bảo cho biết.

Đồng tình với phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian ngắn 6 tháng đến 12 tháng, song nhiều chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần làm nhanh chứ không thể bắt "người đói chờ cơm" được.

Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cần quyết định nhanh, không nên chờ tuần tự theo quy định, thủ tục bởi "hằng ngày người dân, doanh nghiệp vẫn phải đổ xăng, dù đắt hay rẻ".

Theo chuyên gia từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Cần có một cơ chế linh hoạt trong phản ứng chính sách đối với giá xăng dầu, trong đó khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, cần đưa chính sách để hỗ trợ đối tượng tác động. Kể cả các nước phát triển, có nền kinh tế thị trường đầy đủ, trong chừng mực nào đó họ cũng phải sử dụng bàn tay nhà nước để can thiệp thị trường (giá, nguồn cung)".

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong hai phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu được Bộ báo cáo Thủ tướng trước khi trình Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các Bộ ban ngành cho ý kiến, xem xét đánh giá tác động, việc giảm thuế sẽ được đánh giá cụ thể, chi tiết.

Theo đó, xác định khi giảm thuế sẽ xuất hiện xăng dầu xuất lậu, nhiệm vụ ngăn chặn xăng dầu xuất lậu sẽ tăng cường. 

Ngoài ra, việc giảm 1% thuế xăng dầu cũng tác động thu ngân sách, dự toán thu ngân sách được giao cho Bộ Tài chính, cân đối ngân sách cả năm. Lấy khoản nào bù vào cũng là một vấn đề đặt ra để thoả mãn bởi thuế xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng đã bỏ, trong khi dầu thô xuất khẩu bị hạn chế khối lượng.

Thực tế, nhiều người có quan điểm cho rằng, khả quan nhất trong việc giảm tác động xấu của giá xăng dầu không phải là giảm thuế tiêu thụ, VAT bởi "động vào đây" sẽ đụng tới hàng rào chính sách, thủ tục, nếu được chấp thuận về chủ trương, phải mất vài tháng mới trình xong phương án. Trong khi đó, giảm thuế tiêu thụ chỉ là biện pháp tình thế khi giá xăng dầu cao, trong khoảng thời gian nhất định, nếu xăng dầu giảm về mức bình thường, không cần giảm loại thuế này. 

Phương án khả dĩ nhất là hỗ trợ đối tượng tác động chính thông qua chính sách an sinh của nhà nước như: Người nghèo, người yếu thế, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp losgictics... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem