Giữa cơn sốt giá: Cổ phiếu ngân hàng định giá cao nhất 135.000 đồng/cp, xuất hiện thêm mục tiêu 90.100 đồng/cp

30/05/2021 13:07 GMT+7
Đa số cổ phiếu ngân hàng đều có dư địa tăng giá (upside) trên 30%. Trong đó, hai mã cổ phiếu có mức định giá dẫn đầu là VCB của Vietcombank và VPB của VPBank lần lượt là 135.000 đồng/cp và 90.100 đồng/cp - theo BSC.

Tính tới thời điểm hiện tại, thị giá của không ít các cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng bằng lần kể từ đầu năm đến nay.

Chẳng hạn như, VPB từ đầu năm đến nay đã tăng 2,1 lần; LPB tăng 2,3 lần; NCB tăng 2,15 lần. Trong khi đó, EIB tăng gần gấp đôi, VIB tăng 2 lần và SHB tăng 2,4 lần từ cuối tháng 1 cho đến hết tháng 5/2021.

Giữa cơn sốt giá: Cổ phiếu ngân hàng định giá cao nhất 135.000 đồng/cp, xuất hiện thêm mục tiêu 90.100 đồng/cp - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu ngân hàng từ 31/12/2020 đến cuối tháng 5 (* từ khi lên sàn cho đến nay)

Cổ phiếu ngân hàng "đắt đỏ" so với khu vực

Với mức giá hiện tại, cổ phiếu ngân hàng đang "đắt đỏ" hơn so với mức khuyến nghị của một số các công ty chứng khoán đưa ra trước đó. 

Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng chung của nhóm này vẫn được đánh giá tích cực và vẫn còn nhiều cổ phiếu dư địa tăng trưởng về mặt cơ bản.

Theo Chứng khoán IVS, nếu so sánh nhóm ngân hàng cùng ngành trong thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá P/E, P/B của ngân hàng Việt Nam cao hơn.

Giữa cơn sốt giá: Cổ phiếu ngân hàng định giá cao nhất 135.000 đồng/cp, xuất hiện thêm mục tiêu 90.100 đồng/cp - Ảnh 2.

Chỉ số P/E của nhóm ngân hàng

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung. 

P/E, P/B toàn ngành vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với VN-Index.

Bộ phận phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cũng nhận định triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. 

Dù thế, một số cổ phiếu vẫn có thể có triển vọng, trong đó có cổ phiếu của những nhà băng có thể có tác động tích cực từ việc tăng vốn, có lợi nhuận phục hồi sau khi xử lý hết nợ xấu.

Dư địa tăng giá trên 30%

Tại cáo báo cáo đánh giá về nhóm ngân hàng của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, Mã: BSI) mới đây cũng đã chỉ ra rằng, kết quả kinh doanh quý I phần nào phản ánh kỳ vọng về ngành ngân hàng trong năm 2021. Sự phục hồi của nền kinh tế diễn ra nhanh chóng trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.

Tăng trưởng lợi nhuận quý I cao đến từ nhiều yếu tố thuận lợi như phục hồi về cho vay, tối ưu hóa nguồn huy động giúp giảm chi phí vốn, sự phục hồi tăng trưởng thu ngoài lãi và tiết giảm chi phí.

Trong quý II/2021, Chứng khoán BSC cho rằng lãi suất trung bình sẽ tăng so với cùng kỳ do các khoản vay chủ yếu được tái cơ cấu và giảm lãi suất bắt đầu từ cuối quý I/2021 và kéo dài hết 2021. Kỳ vọng lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động. Do đó, NIM toàn ngành trong quý II/2020 vẫn sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh so với cùng kỳ.

Đồng thời, những lo ngại về trích lập dự phòng cũng giảm bớt khi các khoản nợ tái cơ cấu giảm mạnh. Hơn nữa, nhiều chủ đề đầu tư (catalyst) đến từ các cổ phiếu lên sàn và chuyển sàn, bán một phần công ty con và ký hợp đồng bancassurance là những nhân tố giúp ngành ngân hàng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Về kế hoạch kinh doanh, các ngân hàng đưa ra kế hoạch năm 2021 khả quan với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 20,8%. 

Các ngân hàng cũng đặt kế hoạch tăng vốn trong năm 2021, chủ yếu đến từ nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. 

Một số ngân hàng có thể lên kế hoạch bán vốn cho nước ngoài trong thời gian tới như Vietcombank, BIDV, HDBank, VPBank,...

Hiện nay, tỷ trọng cho vay cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn khá đồng đều ở mức trung bình (tỷ lệ tương ứng 50%, 30%, 20%). Chứng khoán BSC cho rằng đây là tỷ lệ tương đối ổn định qua thời gian của các ngân hàng.

Trong thời gian tới, nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay SME và cá nhân, từ đó có thể tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ (bao gồm cho vay SME và cá nhân) lên mức trung bình 80% cho toàn ngành.

Giữa cơn sốt giá: Cổ phiếu ngân hàng định giá cao nhất 135.000 đồng/cp, xuất hiện thêm mục tiêu 90.100 đồng/cp - Ảnh 3.

Trên cơ sở dự báo kể trên, theo chứng khoán BSC, định giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng, tuy nhiên vẫn ở mức hấp dẫn. 

Tính đến hết ngày 25/05/2021, P/B forward toàn ngành ngân hàng đã đạt mức 1.8x, cao hơn mức BSC sử dụng để định giá toàn ngành. Có thể do tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn; các catalyst trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn. 

Do đó, BSC nâng kỳ vọng định giá của toàn ngành ngân hàng lên 2x PBR để khuyến nghị trong năm 2021.

Đối với từng cổ phiếu, mức giá mục tiêu của VCB được định giá lên tới 135.000 đồng/cp. Đây cũng là mức định giá cao nhất của nhóm cổ phiếu vua từ trước cho tới nay.

Tiếp theo là đến VPB, cổ phiếu của ngân hàng VPBank mục tiêu tới 90.100 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, 2 mã cổ phiếu TOP đầu VCB và VPB hiện đang giao dịch quanh mức 99.600 đồng/cp và 68.600 đồng/cp. Như vậy, so với giá mục tiêu của BSC, thị giá hiện nay của VCB mới đạt 74% và 76% với VPB.

TCB của Techcombank được định giá trên 71.000 đồng/cp, trong khi ở thời điểm hiện tại thị giá của mã này mới chỉ ở mức 53.000 đồng/cp.

Hai mã cổ phiếu ngân hàng khác có mức định giá mục tiêu trên 60.000 đồng/cp như BID (67.000 đồng/cp), CTG (69.500 đồng/cp).

Cổ phiếu MBB và ACB được định giá trên 50.000 đồng/cp. Các cổ phiếu ngân hàng khác được BSC đưa giá mục tiêu trên 30.000 đồng/cp như STB, LPB, OCB.

Như vậy, mức giá mục tiêu của đa số cổ phiếu trên đều có dư địa tăng giá (upside) trên 30%. Hai mã BID và MBB có dư địa tăng giá trên 40%.

H.Anh
Cùng chuyên mục