Gỡ thẻ vàng IUU: Ba năm vẫn ‘mong manh’
Sau 3 năm Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng IUU (Khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), không ít cá nhân khai thác hải sản tại Việt Nam vẫn tiếp tục đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài, không gắn thiết bị giám sát hành trình… khiến việc được EC gỡ thẻ vàng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn.
Còn tồn tại người "không ngán" thẻ vàng
Tháng 10/2017, ngành thủy sản Việt Nam bị EC áp thẻ vàng cảnh báo bởi các hành vi khai thác đánh bắt bất hợp pháp IUU. Đến nay, đã 3 năm trôi qua, dù có nhiều nỗ lực, Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ vàng. Những nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam vẫn tiếp tục chịu nhiều thác ghềnh vì ở một số đơn vị, việc coi trọng lợi ích cá nhân nhiều hơn là coi trọng lợi ích kinh tế của đất nước.
Để tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC, năm 2017, Luật Thủy sản ra đời, cùng với đó là hàng loạt nỗ lực khác nhau dựa trên yêu cầu của EC để nhằm gỡ thẻ vàng IUU. Nhiều tỉnh thành đồng loạt triển khai các giải pháp đồng bộ, trọng tâm là thực hiện 4 khuyến nghị của EC gồm: Đội tàu khai thác trên biển của Việt Nam chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện tham gia khai thác trên biển như sự không phù hợp giữa kích cỡ tàu với nguồn lợi thực tế trên biển khai thác; Hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác trên biển đối với các tàu cá còn thiếu quá nhiều và hoạt động chưa hiệu quả; Thiếu hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy hải sản khai thác trên biển, dẫn tới đa số hải sản do ngư dân khai thác được là không rõ nguồn gốc; Còn xảy ra tình trạng ngư dân Việt Nam khai thác và đánh bắt trộm hải sản trên các vùng biển của quốc gia khác.
Các cuộc thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt thường xuyên đã có kết quả và đến nay, một số trình trạng theo yêu cầu của EC ít nhiều đã được khắc phục. Ví dụ, đến nay hầu như rất ít tình trạng ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, ngư dân đánh bắt cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…
Tuy vậy, đánh giá về thực trạng "tuân thủ quy định" của Nhà nước để gỡ thẻ vàng IUU, đại diện Công ty TNHH Hải Nam, một đơn vị lớn trong chế biến xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường châu Âu, nói: "Đến nay, chúng ta vẫn ghi nhận một số tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài như Thái Lan, Indonesia và bị chính quyền các nước đó bắt… Theo quy định, tàu 15 m, 24 m đều phải gắn thiết bị định vị hành trình nhưng có những ghe, tàu vẫn dối trá gỡ thiết bị neo vào một nơi nào đó để đi đánh bắt, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Có ghe, tàu lại không lắp đặt thiết bị… Dù số lượng này hiện nay không nhiều nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gỡ thẻ vàng IUU của EC, xuất khẩu hải sản của chúng ta vào thị trường châu Âu cũng bị ảnh hưởng nhiều là vì vậy".
Tăng mức xử phạt vi phạm ngang bằng tiêu chuẩn EC
Từ ngày 1/10/2020, để bảo đảm các cảng cá đủ điều kiện hoạt động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân và việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương triển khai tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, khu neo đậu tránh trú bão, chỉ đạo các đơn vị liên quan, tổ chức quản lý cảng cá khẩn trương thực hiện các thủ tục công bố mở cảng cá theo quy định. Theo công bố của Tổng cục Thủy sản, có 61 cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Nhưng sau một thời gian hoạt động, một số cảng cá không bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ nên hiện tại, chỉ có 57 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Hiện trên cả nước cũng đã có 70 cảng cá được chỉ định cho tàu cá hoạt động tại vùng khơi vào cập cảng và 12 cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài vào cập cảng. Hệ thống hạ tầng cảng cá hiện một số còn bât cập, xa cửa biển, khó hoạt động kiểm soát hành trình tàu cá chưa sâu sát. Việc đầu tư cho hạ tầng cảng cá và hoạt động thủy sản còn hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam cho biết, từ khi bị EC áp thẻ vàng IUU, xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU đều rất khó khăn, EU kiểm tra thật sự gắt gao. "Đầu vào thì EU yêu cầu chúng ta có giấy SC, đầu ra lại cần giấy CC. Chứng từ đi vào châu Âu bị kiểm soát nghiêm ngặt. Trong khi đó, nghề cá ở Việt Nam là nghề mà cả gia đình cùng làm, vừa có thế mạnh vì có lực lượng kế thừa nhưng cũng đầy rẫy nhưng cái không chuẩn mực khiến 3 năm qua ngành hải sản của chúng ta vẫn chưa ra được khỏi bãi lầy của thẻ vàng. Hiện nay, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào châu Âu vẫn giảm 30%".
Hiện Việt Nam đã triển khai rất nhiều biện pháp để gỡ thẻ vàng IUU nhưng hồ sơ của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn những thiếu sót, vi phạm… "Nhà nước chúng ta đang làm và đã có pháp lý chế tài cho những ghe, tàu vi phạm. Thậm chí có khoản phạt lên đến 2 tỷ đồng. Tuy vậy, về pháp lý, tôi thấy vẫn chưa đủ sức để răn đe, khiến các doanh nghiệp, người làm ăn nghiêm túc và chính nền kinh tế thiệt hại", bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định.
Thạc sĩ Lê Khắc Đại, Trường ĐH Luật (ĐH Huế) đánh giá việc EC rút thẻ vàng IUU đã gây ra nhiều tổn thất, hệ lụy cho không chỉ đối với ngành hải sản Việt Nam không chỉ về xuất khẩu và tài chính, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân mà còn ảnh hưởng cả đến hoạt động chiến lược bảo đảm và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Vì thế, theo Thạc sĩ Lê Khắc Đại, Việt Nam cần phải tích cực đẩy mạnh các biện pháp gỡ thẻ vàng IUU để tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA. Theo đó, thứ nhất, cần phải nâng mức xử phạt lên sao cho phù hợp với quy định của EC. Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, nhưng mức xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm trong Nghị định vẫn còn nhẹ so với các nước trong khu vực cũng như so với hướng dẫn của EC về các biện pháp chống IUU.
Đối với hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát thì cùng với lắp đặt thiết bị, chúng ta cần thành lập trung tâm giám sát các hoạt động của tàu cá chung trên biển. Tất cả tàu cá ra khơi đánh bắt ở đâu thì trung tâm này đều phải nắm bắt và giám sát được. Nếu như các các tàu cá nào có biểu hiện đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải thông qua thiết bị liên lạc hoặc điện thoại thông minh để đưa ra cảnh báo và nhắc nhở tàu cá. Việc quản lý tàu cá không giao cho các địa phương như hiện nay nữa vì hiệu quả chưa cao.
Đối với những hoạt động chống đánh bắt trái phép, đây là vi phạm chính trong các vi phạm IUU và là lý do cơ bản để EC gỡ hay không gỡ thẻ vàng. Do vậy, một mặt Việt Nam cần phải tăng cường tuyên truyền và phổ biến cho ngư dân biết về hậu quả của hành vi đánh bắt thủy sản trái phép để ngư dân không vi phạm. Bên cạnh đó, chúng ta phải có chế tài mạnh hơn đối với các hoạt động này, thậm chí là áp dụng các biện pháp hình sự đối với những người vi phạm để bảo đảm không còn hoạt động đánh bắt trái phép nữa.
Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tham vấn, đối thoại với các phái đoàn kiểm tra giám sát của EC cũng như thực hiện giám sát tất cả các tàu thuyền và hoạt động khai thác hải sản trên tất cả các tỉnh, thành phố ven biển.