Gọng kìm Covid-19 và Nghị định 100: Lối thoát nào cho Sabeco, Habeco, Heineken Việt Nam?
Doanh nghiệp ngành đồ uống kinh doanh sa sút
Tại diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát", PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) thừa nhận, từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Vì thế, sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20-40%, chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tăng lên.
Tại báo cáo tài chính riêng lẻ tính đến hết quý III/2020, Sabeco ghi nhận đạt gần 20.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 3.403 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.257 tỷ đồng.
Ngoài ra, các công ty con của Sabeco cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm. Công ty Bia Sài Gòn Miền Tây báo lãi quý III/2020 sụt giảm 48% so với cùng kỳ, đạt 21,6 tỷ đồng. Số lãi này thậm chí còn thấp hơn cả lợi nhuận đạt được trong quý I/2020. Công ty Bia Sài Gòn Quảng Ngãi cũng ghi nhận lãi sau thuế 27 tỷ đồng trong quý 3, giảm 23% so với cùng kỳ. Bia Sài Gòn Miền Trung (SMB) lãi sau thuế gần 50 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ...
Các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát khác cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, Công ty Cổ phần Nước giải khát và rượu Hà Nội (Halico) ghi nhận nhiều năm lỗ liên tiếp, hiện đến hết quý III, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế 413 tỷ đồng…
Sabeco, Habeco, Heineken Việt Nam tìm lối thoát "tác động kép"
Mặc dù chịu tác động kép, kết quả kinh doanh giảm mạnh và thua lỗ, nhưng nếu nhìn vào tình hình kinh doanh theo quý thì thấy kết quả kinh doanh của cả Sabeco và Habeco đều có sự khôi phục. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã dần thích ứng với tình hình, tiết giảm các loại chi phí để kinh doanh có hiệu quả hơn.
Đơn cử là Sabeco đã báo lãi 1.479 tỷ đồng quý III/2020 vừa qua, tăng nhẹ so với số lãi 1.460 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu sụt giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng. Số lãi này cũng giúp Sabeco tiệm cận quý lãi lớn nhất trong lịch sử - quý II/2019 với số lãi sau thuế 1.530 tỷ đồng. Trong khi trước đó, Sabeco báo lãi quý I đạt 717 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và lãi quý II/2020 đạt 1.216 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Theo ban lãnh đạo Sabeco, doanh nghiệp vẫn giành được thị phần thông qua doanh số bán hàng trong quý I/2020 do đóng góp từ tỷ trọng kênh bán hàng truyền thống cao hơn so với toàn ngành. Mặt khác, doanh thu quý III/2020 của Sabeco tăng lên là do quản lý chi phí tốt hơn. Công ty thực hiện hàng loạt thay đổi trong kinh doanh và quản trị, cố gắng tăng năng suất, cắt giảm một số chi phí hoạt động và đàm phán với chủ cho thuê để giảm chi phí… Mặt khác, công ty đang tìm hướng xuất khẩu bia sang các nước khác để mở rộng thị trường.
Tại Habeco, đại diện doanh nghiệp này cho biết, sức ảnh hưởng lớn từ "tác động kép" từ dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã dẫn tới sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ. Kết quả, Habeco ghi nhận lỗ từ quý I đến quý II/2020.
"Lối thoát" cho Habeco trong quý III/2020 đó là việc tiết giảm mạnh các khoản chi phí như chi phí bán hàng giảm 230 tỷ đồng (-40%) xuống còn 346,3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ giảm 227 tỷ đồng (-54%) xuống 193,4 tỷ đồng. Kết quả, quý III/2020, lợi nhuận sau thuế của Habeco đã tăng gấp đôi, đạt 340,7 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận lớn nhất của Habeco trong vòng 4 năm qua tính theo quý dù doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ 1,7%.
Nhờ quý III/2020, hoạt động sản xuất kinh doanh có "sáng sủa" hơn, 9 tháng đầu năm 2020 Habeco đạt 488 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu giảm gần 16%.
Nếu như 2 "ông lớn" Sabeco và Habeco tập trung tiết giảm chi phí, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam lựa chọn hướng đi mới bằng việc gia tăng sản phẩm thay thế, đó là bia không cồn. Động thái này của Heineken Việt Nam được ông Phùng Hoàng Cơ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) nhìn nhận, là bước đi cần thiết và cần được các doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện.
"Thời gian tới, để tháo gỡ các khó khăn cho ngành công nghiệp rượu bia, các doanh nghiệp cần xem xét gia tăng sản phẩm thay thế hỗ trợ, các sản phẩm sạch, hữu cơ cần được chú trọng trong ngành nước giải khát. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thay đổi về vấn đề chuyển đổi số, tiếp cận người dùng, tái cấu trúc mạng lưới phân phối", ông Cơ khuyến nghị.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng, bia không cồn được xem là chìa khóa giúp tháo gỡ quy định về sức khỏe và an toàn lái xe hiện nay. Hiện phân khúc này còn khá non trẻ. Số thương hiệu bia không cồn trên thị trường Việt Nam cho đến nay chỉ có một vài hãng như: Heineken 0.0, Sagota, Steiger, Bavaria, Oettinger... và duy nhất Sagota (thuộc Công ty Bia Sài Gòn Bình Tây) đang được sản xuất trong nước.