Google sắp có thay đổi lớn
Hôm 3/3, Google nêu chi tiết kế hoạch ngừng bán quảng cáo dựa trên dữ liệu duyệt web của người dùng. Theo Google, kế hoạch dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2022.
Theo CNET, trong bối cảnh người dùng bắt đầu nhận thức nhiều hơn về quyền riêng tư, động thái của Google đã làm rung chuyển ngành quảng cáo kỹ thuật số.
Ngừng kinh doanh theo cách cũ
Năm 2020, công ty cung cấp dịch vụ truy vấn lớn nhất thế giới tuyên bố chặn cookie của các website bên thứ 3 trên trình duyệt Chrome. Dự kiến, Google sẽ loại bỏ hoàn toàn cookie của bên thứ 3 và đầu tư vào công nghệ theo dõi người dùng thay thế.
Cookie là những tập tin do một trang web gửi đến thiết bị của người dùng. Chúng được lưu lại khi người dùng truy cập website đó. Cookie được dùng để ghi nhớ thông tin, trạng thái, hoạt động mà người dùng thực hiện trong quá trình truy cập hay duyệt web.
Nói một cách dễ hiểu, cookie sẽ lưu trữ thao tác của người dùng như số lần bấm vào chuyên mục mà người dùng yêu thích trên một trang web. Những thông tin này chính là nguồn tài nguyên giá trị giúp các công ty quảng cáo phân tích và nhắm mục tiêu tiếp cận tốt hơn.
“Nếu quảng cáo kỹ thuật số không phát triển và giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư, khái niệm duyệt web miễn phí và mở rộng sẽ bị đe dọa. Mọi người không nên phải chấp nhận việc bị theo dõi trên website chỉ để thu về một số lợi ích từ quá trình quảng cáo”, David Temkin, quản lý mảng sản phẩm của Google, góc quyền riêng tư, cho biết.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm của Google lọt vào tầm ngắm của giới chức Mỹ. Gã khổng lồ công nghệ đã phải đối mặt với 3 vụ kiện chống độc quyền lớn suốt thời gian qua, bao gồm một vụ kiện mang tính bước ngoặt do Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng và một khiếu nại từ liên minh lưỡng đảng các bang.
Theo CNET, lời tuyên bố hôm 3/3 của Google là nỗ lực của công ty với hy vọng tìm kiếm được giải pháp quyền riêng tư cho người dùng.
Trong khi nhiều công ty hoạt động trong ngành quảng cáo tiếp tục nâng cao khả năng theo dõi người dùng, lời tuyên bố của Google sẽ là “gáo nước lạnh” làm xáo trộn ngành công nghiệp này.
“Trong bối cảnh người dùng ngày càng nâng cao nhận thức về quyền riêng tư, cùng với đó là hàng loạt quy định được ban hành bởi chính phủ, việc duy trì các hoạt động theo dõi dữ liệu người dùng sẽ không phải một khoản đầu tư lâu dài bền vững”, Temkin chia sẻ.
Google chỉ đang đánh lạc hướng người dùng?
Nước đi của Google vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Quá trình thay đổi sẽ không áp dụng với bên thứ nhất, tức các sản phẩm do Google phát hành. Rõ ràng, Google vẫn có thể thu thập dữ liệu khi người dùng sử dụng Chrome, Gmail hay YouTube để nhắm quảng cáo.
Bên cạnh đó, những thay đổi này sẽ chỉ áp dụng cho trình duyệt web trên PC và chưa xuất hiện trên smartphone.
Dự kiến, Google sẽ sử dụng công nghệ Federated Learning of Cohorts (FloC) để phân chia người dùng theo các nhóm số đông có cùng sở thích. Google đã thu về một số bước phát triển đột quá trong công nghệ theo dõi người dùng bằng AI. Qua đó, hệ thống của Google có thể trở nên thông minh hơn bằng cách sử dụng dữ liệu thô trên thiết bị của khách hàng thay vì chuyển lên đám mây. Phát kiến này giúp Google vẫn có thể chạy quảng cáo từ dữ liệu của người dùng mà không phải tiếp cận thông tin đó.
Chia sẻ với Protocol, một số chuyên gia công nghệ cho rằng mục đích Google chính là nâng cao vị thế trong ngành quảng cảo kỹ thuật số, thay vì làm điều đúng đắn vì lợi ích của người dùng.
“Việc phân chia người dùng theo số đông về cơ bản sẽ cung cấp một bản tóm tắt xem bạn là ai, bạn thích gì, bạn đi đâu, mua gì hay mua cùng ai”, Bennett Cyphers, kỹ thuật viên của Tổ chức Biên giới Điện tử, bày tỏ quan điểm ngược lại với Google về công nghệ FloC.
Đáng nói, các cookie của bên thứ 3 đã không còn được ưa chuộng nữa.
“Khoảng một nửa lưu lượng truy cập Internet ngày nay không còn xuất hiện cookie của bên thứ 3 nữa”, Peter Day, lãnh đạo công nghệ của công ty Quantcast, chia sẻ với Protocol.
Google cần thay đổi nếu không muốn như Facebook
Theo Korad Feldman, Giám đốc điều hành Quantcast, hầu hết chúng ta đang sử dụng Safari làm công cụ dự đoán tương lai của Internet.
Nhờ hàng loạt chính sách bảo vệ quyền riêng tư của Apple, trình duyệt web này đã đi trước Google trong việc chặn cookie và khiến các công ty quảng cáo khó theo dõi người dùng hơn. Safari cũng cố gắng gửi ít dữ liệu người dùng hơn đến các công cụ tìm kiếm như Google.
Đặc biệt, Safari mặc định ngăn chặn hầu hết trình theo dõi. Trong trường hợp các website muốn hoạt động với tiện ích mở rộng hay truy cập vào bộ nhớ tạm thời, chúng cần có sự đồng ý của người dùng.
Trong vài năm qua, ngành công nghiệp công nghệ đã phải chú trọng đến quyền riêng tư của khách hàng hơn khi nhiều nhà lập pháp dần lo ngại về tình trạng lạm dụng dữ liệu người dùng.
Kể từ tháng 12/2020, Apple đã yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS cung cấp thông tin chi tiết những dữ liệu cá nhân mà ứng dụng đó thu thập, điển hình như thông tin tài chính, danh bạ hoặc lịch sử duyệt web.
Google cần thay đổi nếu không muốn rơi vào trường hợp của Facebook. Trong thời gian sắp tới, các ứng dụng can thiệp vào dữ liệu cá nhân trên iPhone sẽ phải có sự đồng ý của người dùng. Sự thay đổi này đã châm ngòi cho mối quan hệ căng thẳng giữa Apple và Facebook.
Hai vị CEO quyền lực nhất thế giới nhiều lần đối đầu nhau trong các cuộc khẩu chiến. Trong khi đó, Google đang xem xét một vài phương án “ít nghiêm ngặt” hơn để bảo vệ các khách hàng sử dụng hệ điều hành Android.