Hàng hải Việt Nam (VIMC) muốn có lợi nhuận hơn 2.518 tỷ năm 2022
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, tên trước đây là Vinalines) có tổng tài sản hơn 13.800 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 11.100 tỷ đồng, nợ phải trả trên 2.700 tỷ đồng. Hiện, VIMC đang có 19 công ty con, 15 công ty liên kết, trong đó có nhiều cảng biển lớn như: Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cái Mép - Thị Vải…
Theo báo cáo của VIMC về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2022, với nhiều tín hiệu kinh doanh khả quan nhờ cước vận tải biển và lưu thông hàng hóa bằng đường biển tăng cao trong năm 2021.
Qua đó, VIMC đặt mục tiêu năm 2022 với sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 132 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2021; Tổng doanh thu hợp nhất hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.518 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng.
Thông tin về tình hình hoạt động, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua 16 cảng biển của VIMC đạt gần 126 triệu tấn, tăng 13,7% so với thực hiện năm 2020, lợi nhuận đạt 2.588 tỷ đồng (chiếm 71% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC).
Trong đó, khối vận tải biển cũng "ngược dòng" lãi mạnh, ghi dấu ấn mạnh mẽ khi nắm bắt được cơ hội với mức lợi nhuận 869 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2020.
Theo ông Tĩnh, đơn vị sẽ triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng lớn như: Dự án Bến số 3, 4 Cảng Lạch Huyện; Nâng cấp và mở rộng Cảng Quy Nhơn; các dự án đầu tư của Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư Cảng Liên Chiểu.
Đặc biệt, nắm bắt tiềm năng và dư địa mặt hàng trung chuyển quốc tế, VIMC đang đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư khu bến container tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Dự kiến, khu bến này sẽ được đầu tư có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8km, công suất thiết kế đến 15 triệu TEUs.
Tính khả thi của dự án này cũng được đảm bảo khi VIMC sẽ hợp tác cùng MSC - hãng tàu đang đang sở hữu 60 cảng biển và khai thác đội tàu hơn 625 chiếc kết nối 500 cảng biển trên thế giới. Đồng thời, VIMC cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ.
Định hướng trước mắt là đầu tư 2 tàu container 1.700 - 2.200 TEU với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Xác định việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải cần đến 25.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Trong đó, nguồn vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 2.200 tỷ đồng, đại hội đồng cổ đông Tổng công ty Hàng hải cũng đã thông qua kế hoạch phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ, tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư.