Hàng không thiếu chỗ đỗ máy bay

03/10/2019 08:38 GMT+7
Do tính kinh tế, các hãng hàng không lớn nhỏ của Việt Nam đều chọn đỗ máy bay qua đêm tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Các hãng muốn mua thêm máy bay, nhưng chỗ đỗ đã cạn.

Lần gần nhất đơn vị khai thác hai cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất đưa ra thông tin về việc đầu tư xây dựng thêm chỗ đỗ máy bay đã là cuối năm 2018.

Muối bỏ biển

Nếu không có sự bổ sung từ các cảng thì trong 5 năm tới, số chỗ đỗ bổ sung trên so với lượng máy bay các hãng muốn khai thác chỉ như "muối bỏ biển".

Cụ thể, cuối năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chia sẻ về dự án xây dựng sân đỗ máy bay tại vị trí quy hoạch số 15 ở sân bay Nội Bài, có vốn đầu tư 500 tỷ đồng, hoàn thành trong tháng 11/2018.

Cũng theo ACV, dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất trên khu 19,79 ha đất quân sự bàn giao với mức đầu tư 1.100 tỷ đồng cũng được triển khai, bổ sung 29 vị trí đỗ máy bay ở khu vực này.

Hàng không thiếu chỗ đỗ máy bay - Ảnh 1.

Hàng không Việt đang rơi vào cảnh ban ngày "tắc" trên trời, ban đêm tranh nhau chỗ đỗ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một dự án khác là dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc đường lăn song song từ đường lăn NS đến đường lăn E6 cũng đã bổ sung thêm 8 chỗ đỗ cho máy bay và 1 đường lăn kết nối ra đường cất hạ cánh. Dự án có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.

ACV đã bổ sung khoảng 40 chỗ đỗ máy bay tại hai sân bay lớn ngay trước cao điểm Tết Nguyên Đán 2019. Đây cũng là thời điểm Bamboo Airways gia nhập thị trường với 4 máy bay đầu tiên.

Thời điểm đó, Vietjet Air cũng bổ sung thêm khoảng 16 chiếc A321 cả thuê và cả nhận bàn giao từ Airbus trong năm 2018 để phục vụ tăng trưởng. Sau Tết nguyên đán, hãng tiếp tục nhận thêm 5 chiếc A321 nữa vào đội bay.

Vietnam Airlines trong năm 2018 và đầu năm 2019 cũng đã bổ sung thêm 6 máy bay, 3 chiếc A350 và 3 chiếc A321, vào đội bay của mình. Sau Tết nguyên đán, hãng đón thêm 11 chiếc máy bay. Số này bao gồm 8 chiếc A321, 2 chiếc Boeing 787 và 1 chiếc A350.

Với lượng máy bay bán đi hoặc ngừng thuê của các hãng trong khoảng thời gian trên không đáng kể, lượng chỗ đỗ bổ sung thêm tại hai sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ sớm bị lấp đầy.

Đây là lý do cơ quan chức năng phải cân đối phương án chọn Nội Bài làm căn cứ mà Vinpearl Air đề xuất.

"Về hạ tầng, việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là hợp lý. Với 6 tàu bay vào năm 2020, 2021 lên hơn 10 tàu, Nội Bài vẫn gánh được", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không, nhận định về khả năng tiếp nhận thêm một đội bay 6 chiếc của sân bay Nội Bài.

Thiếu chỗ đỗ cũng chính là rào cản khiến Vietstar Airlines chưa thể tham gia khai thác phản lực thân hẹp. Hãng đã nhiều lần nộp hồ sơ xin khai thác nhưng đều bị từ chối với lý do Tân Sơn Nhất đã không còn chỗ đỗ.

Vietstar Airlines thậm chí còn đề xuất dùng xưởng kỹ thuật (hangar) của doanh nghiệp tại Tân Sơn Nhất làm chỗ đỗ cho 2 trong số 5 máy bay hãng muốn khai thác, nhưng vẫn không thể thuyết phục cơ quan chức năng.

Gần 300 máy bay mới "mỏi mắt" tìm chỗ đỗ

Nhận định về việc cải thiện hạ tầng, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay dù hạ tầng hàng không của Việt Nam "là còn hạn chế" trong bối cảnh tăng trưởng của ngành hàng không rất cao, tuy nhiên, "đang rất mắc về sự chồng chéo của các luật như luật Đầu tư, luật chuyên ngành và các luật khác".

Trong khi tốc độ đầu tư mở rộng, tăng chỗ đỗ còn gặp nhiều khó khăn thì các hãng hàng không vẫn đang đưa ra kế hoạch tăng mạnh số lượng máy bay.

Bamboo Airways vừa ra đời và có năm đầu tiên khai thác thuận lợi đang có kế hoạch tăng mạnh số lượng máy bay. Lãnh đạo hãng khẳng định sẽ nâng số máy bay của hãng lên 30 chiếc trong năm 2020, tăng 20 chiếc so với hiện tại, và lên 100 chiếc vào năm 2025, tăng 90 chiếc so với hiện tại.

Hàng không thiếu chỗ đỗ máy bay - Ảnh 2.

Vietstar Airlines từng nhiều lần không xin được giấy phép bay vì thiếu chỗ đỗ tại Tân Sơn Nhất.

Đây là động thái nằm trong tham vọng chiếm 30% thị phần nội địa của hãng ngay trong năm 2020. Để minh chứng cho sức hấp thụ tốt của thị trường, đại diện hãng chia sẻ với Zing.vn hiện tỷ lệ lấp đầy của máy bay Bamboo Airways đang là khoảng 90%.

Theo thống kê của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Vietjet Air cũng sẽ biên chế thêm hơn 30 máy bay trong giai đoạn 2023-2025. Nhóm các hãng thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam không kém cạnh khi bổ sung khoảng 50 máy bay thân hẹp dòng A320 để duy trì vị thế trong cuộc đua hàng không đang đến hồi nóng bỏng.

Ngoài các hãng đang khai thác, tới năm 2025, hạ tầng cũng sẽ khó theo kịp số lượng máy bay với sự tham gia của các hãng bay mới.

Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tới năm 2025 dự kiến sở hữu đội bay 30 chiếc, cả máy bay thân rộng và thân hẹp. Đây là con số đã giảm bớt sau khuyến nghị của Cục Hàng không khi trước đó hãng muốn vận hành đội bay 36 chiếc.

Kite Air của doanh nhân Trần Trọng Kiên cũng muốn khai thác 30 chiếc vào năm 2025, gồm các dòng máy bay như ATR72 và A320. Tuy nhiên sau khi cân nhắc yếu tố hạ tầng và tính hiệu quả, Cục Hàng không đã khuyến nghị Kite Air giảm số máy bay trong đội bay xuống còn khoảng 20-25 chiếc vào năm 2025.

Ông lớn lữ hành Vietravel cũng muốn tham gia thị trường hàng không với Vietravel Airlines. Hãng dự kiến cất cánh vào quý III/2020, khởi đầu với 3 máy bay và tăng lên 8 chiếc vào năm 2025.

Ngô Minh/Zing
Cùng chuyên mục