Hàng trăm triệu người Châu Á lâm vào nghèo đói vì dịch Covid-19
Châu Á đã chứng kiến tốc độ giảm nghèo đáng kể khi tỷ trọng GDP khu vực trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng từ mức 1/4 lên 1/3 chỉ trong vòng 15 năm qua. Nhưng nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB nhận định khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đưa các nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, khiến thu nhập của người dân (đặc biệt là người nghèo) giảm mạnh, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đang ngày một gia tăng tại các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương.
“Theo đánh giá của chúng tôi, một lượng lớn người dân đang rơi xuống mức nghèo khổ, với khoảng 160 triệu người trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ trở lại cảnh nghèo khổ cùng cực” - ông Yasuyuki Sawada cho hay. Tính toán của Sawada dựa trên ngưỡng nghèo quốc tế là thu nhập dưới 3,2 USD/ người/ ngày.
Nếu không có sự bùng phát đại dịch Covid-19, số lượng người nghèo ở các nước đang phát triển Châu Á sẽ giảm xuống còn 114 triệu người vào cuối năm 2020 nếu sử dụng mức thu nhập 1,9 USD/ ngày làm thước đo. Nếu sử dụng mức 3,2 USD/ ngày làm chuẩn, con số sẽ giảm xuống còn 734 triệu người.
Nhưng khi đại dịch làm đảo ngược xu hướng này, ADB ước tính số người nghèo trong khu vực có khả năng tăng lên 192 triệu người vào cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo 1,9 USD, hoặc lên 896 triệu người theo chuẩn nghèo 3,2 USD. Điều này có nghĩa là tùy thuộc vào các định nghĩa đói nghèo khác nhau, sẽ có thêm 78 triệu đến 162 triệu người tái nghèo do cuộc khủng hoảng đại dịch, qua đó xóa sạch hoàn toàn các kết quả giảm nghèo đạt được trong 3-4 năm vừa qua.
Cũng theo ông Sawada, các thành phần kinh tế nghèo càng dễ chịu tác động từ đại dịch hơn bởi họ không thể kiếm thêm thu nhập bằng cách làm việc tại nhà như những nhân viên công sở, lao động trí óc. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do dòng chảy thanh khoản không đủ để duy trì hoạt động doanh nghiệp trong thời gian đóng cửa kinh tế. “Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp phải sa thải nhân viên…Nhìn chung, lao động nghèo, lao động phi chính thức và các doanh nghiệp nhỏ là đối tượng chịu tác động nhiều nhất”.
Dự kiến các nền kinh tế Châu Á đang phát triển sẽ chứng kiến tăng trưởng giảm tốc trong năm nay, mức giảm đầu tiên trong gần 6 thập kỷ. Trong đó, khoảng 3/4 nền kinh tế của khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm.
Theo ADB, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng thể của toàn Châu Á sẽ chứng kiến mức âm 0,7% trong năm nay, tức mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1962. Tốc độ phục hồi của các nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào sự thành công trong việc kiểm soát đại dịch. Ví dụ, sự phục hồi đang ngày càng rõ nét ở Trung Quốc - quốc gia kiểm soát dịch bệnh tương đối nhanh; nhưng vẫn còn mong manh ở Ấn Độ, nơi mà các ca nhiễm mới Covid-19 vẫn tăng mạnh từng ngày.
ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc từ 2,3% xuống 1,8%, đồng thời hạ dự báo GDP Ấn Độ trong cùng thời kỳ xuống -9%. Tuy nhiên, Ngân hàng này dự kiến triển vọng phục hồi sáng sủa cho cả hai quốc gia tỷ dân trong năm 2021.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng đại dịch, ADB cảnh báo có nhiều rủi ro tiêu cực khác ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực bao gồm sự leo thang xung đột thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ...